Bộ trưởng Nhạ và Đà Nẵng ‘gỡ bí’ cho dự án Làng Đại học treo 23 năm

Gỡ “nút thắt” bài toán di dời dân

Chiều 18/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng, để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết từ 1997 đến 2017, tổng vốn đầu tư của Bộ cho dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng khoảng 300 tỉ đồng, đạt 0,5% so với tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỉ đồng (năm 1997) và được triển khai trong ba giai đoạn.

Với khoản vốn trên, Đại học Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng được 25,4 ha. Trong đó, nếu tính cả 13,55 ha đất của Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt – Hàn được sáp nhập về ĐH Đà Nẵng thì tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án cho đến nay là 38,95 ha.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết dự án Làng Đại học vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần phải tháo gỡ, nhất là về vốn và giải phóng mặt bằng.

Theo Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chủ trương của Thủ tướng là xây dựng ĐH Đà Nẵng thành 1 trong 3 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước với diện tích 300 ha đáp ứng quy mô 60.000 sinh viên và 3.500 cán bộ nhân viên.

“Đại học Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số công việc cụ thể. Tuy nhiên, dự án được triển khai trên 2 địa bàn là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam này đã bị “treo” suốt 23 năm nay do gặp không ít khó khăn, vướng mắc… Công tác tái định cư phục vụ cho giải phóng mặt bằng trên thành phố có ý nghĩa quyết định. Nếu nút thắt này được tháo gỡ sẽ là tiền đề hết sức quan trọng quyết định đến sự thành công của dự án”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, chia sẻ.

Đồng thời, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã đề xuất 2 phương án để bố trí tái định cư nhằm kịp thời triển khai công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, phương án 1 là Đà Nẵng sẽ xây dựng khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án. Nguồn vốn lấy từ kinh phí của địa phương. Sau đó, thành phố sẽ thu lại kinh phí đã đầu tư khu tái định cư này từ việc bán đất cho các đối tượng tái định cư thuộc khu vực giải phóng mặt bằng của dự án.

Còn phương án 2 là Đà Nẵng sẽ sử dụng các khu tái định cư mà thành phố đã xây dựng nhằm thực hiện tái định cư chung cho các dự án khác nhau để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi dự án, lấy nguồn kinh phí của thành phố. Đây được xem là đầu tư cho sự phát triển của TP Đà Nẵng.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Tại buổi làm việc, ông Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, sau 23 năm trì hoãn, dự án Làng Đại học Đà Nẵng mới có cơ hội tái khởi động trở lại. Trước giờ khó khăn lớn nhất là nguồn vốn thì nay Chính phủ và Bộ GDĐT đã dành sự quan tâm lớn, bố trí 1.000 tỉ đồng cho đầu tư trung hạn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đánh giá tầm vóc và tiềm năng của ĐH Đà Nẵng là rất lớn. Nếu nhìn vào cơ cấu, hiện nay ĐH Đà Nẵng có xu hướng rất thuận lợi do có toàn khối khoa học công nghệ điện tử viễn thông, kỹ thuật,… đây chính là cốt lõi. Không chỉ vậy, Đại học Đà Nẵng còn có cơ sở giao lưu văn hóa, giáo dục… tiềm năng phát triển rất mạnh.

Do đó, Bộ GD&ĐT rất mong chính quyền Đà Nẵng tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh tiến độ dự án, trước hết là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, nếu không giải phóng mặt bằng thì bài toán về vốn cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng sẽ rất khó để giải quyết.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nếu không giải phóng mặt bằng thì bài toán về vốn cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng sẽ rất khó để giải quyết. Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị chính quyền TP Đà Nẵng tạo điều kiện tối đa đẩy nhanh tiến độ để gỡ “nút thắt” này để Bộ GD&ĐT bố trí nguồn vốn 500 tỷ đồng thực hiện năm 2020.

“Nếu vẫn chưa đủ điều kiện để phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án khác có khối lượng thực hiện, có nhu cầu cấp bách về vốn. Như vậy thì nguồn vay ODA 100 triệu USD cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng cũng sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai dự án cho các giai đoạn tiếp theo. Do đó, nếu vấn đề tái định cư không “khơi thông” được thì sẽ rất khó.

Chúng tôi mong chính quyền Đà Nẵng sẽ hỗ trợ hết mình để có thể gỡ nút thắt tiếp theo là công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân số vốn được bố trí. Nếu không làm ngay lúc này thì chưa biết đến khi nào mới có cơ hội tiếp theo, trong khi Đại học Đà Nẵng có có xu hướng phát triển rất lớn trong tương lai”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhấn mạnh.

Lên phương án xây khu tái định cư rộng 10 ha

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, quan điểm của thành phố là giao cho Sở Xây dựng quy hoạch để tìm ra khu tái định cư mới bố trí cho các hộ dân.

Phương án lấy đất nhiều nơi rất khó vì hiện nay quỹ đất tái định cư cho những người tái định cư đã thiếu, do đó không thể dùng phương án 2 như lãnh đạo Đại học Đà Nẵng vừa đề xuất. Vì vậy, Đà Nẵng thống nhất chọn phương án 1 và sẽ cho thành lập một tổ riêng để xử lý những vướng mắc liên quan đến dự án.

“Trong quá trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố và Đại học Đà Nẵng cần phối hợp chặt chẽ để lập ra một tiến độ thật chi tiết cho tất cả công đoạn. Cần tập trung làm cho xong giải phóng mặt bằng với một quyết tâm mới. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ và ĐH Đà Nẵng có thêm những đội ngũ chuyên trách để giải quyết nhanh và gọn những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai…”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, cho rằng đây là cơ hội lớn của dự án Làng Đại học Đà Nẵng tái khởi động lại sau hơn 20 năm bị treo.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề xuất Bộ GD&ĐT cần có công văn gửi TP Đà Nẵng đề nghị địa phương hỗ trợ dự án tái định cư, hỗ trợ tái định cư, đề xuất phương án địa phương cung ứng nguồn vốn sau đó hoàn lại cho địa phương.

Ông Thơ cũng cho biết thêm, Đà Nẵng đã có cuộc họp để tính phương án tái định cư cho dự án Làng Đại học là chuẩn bị khu tái định mới hoàn toàn, rộng khoảng 10 – 12 ha.

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn sớm xây dựng phương án giải tỏa, tái định cư. Đồng thời, giao cho ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng các sở, ban, ngành tập trung chủ động chuẩn bị sớm các thủ tục.

“Do khu tái định cư trước đây để lâu, người dân đã làm nhà cửa trên khu đất này nên bây giờ rất khó giải tỏa, do đó phải xây dựng khu tái định cư mới. Đà Nẵng sẽ có trách nhiệm chung với Bộ GD-ĐT khẩn trương thông qua quy hoạch khu tái định cư để sớm phê duyệt, làm thủ tục đầu tư xây dựng”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, thông tin.

Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong 400 tỷ để bố trí giải phóng mặt bằng, ông Huỳnh Đức Thơ gợi ý nếu dân đồng ý bồi thường thương mại thì sẽ giải quyết ngay.

“Bộ GD&ĐT có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng để Đà Nẵng giải ngân cho dân thì sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2020. Đà Nẵng cũng sẽ thành lập riêng Hội đồng giải phóng mặt bằng của dự án Làng ĐH Đà Nẵng và lựa chọn phương án tái định cư linh hoạt, phù hợp với nguyện vọng của dân để thúc đẩy công việc được nhanh chóng.

Ngay trong quy hoạch chung của Đà Nẵng, Làng Đại học Đà Nẵng là một trong những hạt nhân của khu đô thị sáng tạo của thành phố. Do đó, cả Bộ GD&ĐT, ĐH Đà Nẵng và thành phố sẽ cùng nhau phối hợp đẩy nhanh các thủ tục từ Trung ương đến địa phương để không bỏ lỡ cơ hội lớn này”, ông Thơ, nói.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ cùng TP Đà Nẵng thực hiện nhanh nhất có thể các thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác “thị sát” tại dự án Làng ĐH Đà Nẵng.

Trước đó, như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đưa tin, trong sáng 18/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã đi kiểm tra, thực tế Dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Đây là dự án được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích gần 300ha, trong đó tỉnh Quảng Nam 190ha, TP Đà Nẵng khoảng 110 ha.

Tuy nhiên, suốt hơn 23 năm qua, dự án Làng đại học Đà Nẵng vẫn nằm trên giấy, chưa thể đưa vào hoạt động và đã khiến hơn 500 hộ dân phường Điện Ngọc (Quảng Nam) và gần 1.000 hộ dân phường Hòa Quý (TP Đà Nẵng) phải sống khổ sở vì đất đai đa phần đã được kiểm kê, nhưng công tác đền bù vẫn kéo dài và chưa được giải quyết dứt điểm.

Đặc biệt, hiện nay Làng đại học đã có Trường Cao đẳng Việt Hàn,Viện Khoa học xã hội và Trường Đại học Kỹ thuật Y dược (cơ sở II) đang đi vào hoạt động nên nhiều hộ dân đã chuyển sang việc buôn bán hoặc cho thuê nhà trọ để phục vụ sinh viên.

Không chỉ vậy, hàng loạt căn nhà cấp bốn được xây dựng trái phép cũng đang được rao bán lại do đã được xây dựng hơn 10 năm trước bên trong dự án, nay đang rơi vào cảnh xuống cấp, hoang tàn. Trong khi chính quyền địa phương lại túng túng xử lý khiến người dân bất an vì phát sinh tệ nạn.

Sau 23 năm, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Ảnh: A.Q

Sau khi Thủ tướng Chính phủ duyệt 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn (2016 – 2020) để triển khai. Vào tháng 11/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn về phân bổ Kế hoạch Đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 (thuộc nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn). Trong năm 2020, Dự án Làng đại học Đà Nẵng được dự kiến bố trí vốn 500 tỷ đồng.

Đến nay, Dự án Đại học Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Riêng giai đoạn 2 đã đầu tư được nhà làm việc và học tập của trường Đại học công nghệ thông tin và tòa nhà Khoa công nghệ thông tin – truyền thông. Giai đoạn 3, đầu tư tòa nhà bố trí cho Khoa Y dược (thuộc Đại học Đà Nẵng) và 2 khu ký túc xá.