Dòng vốn đầu tư nghìn tỷ đánh thức ‘vịnh Hạ Long trên núi’

Nằm trải dài trên 5 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình và được hình thành trong quá trình xây dựng thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình được ví như một ‘Hạ Long trên núi’ vì có mặt nước trong xanh rộng hàng chục nghìn hecta với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ. Sở hữu tiềm năng phát triển du lịch phong phú và sau nhiều năm như ‘nàng công chúa ngủ quên”, hồ Hòa Bình bỗng bừng tỉnh trong ba năm trở lại đây và đang đứng trước vận hội lớn trở thành một trong những khu du lịch trọng điểm của trung du miền núi phía Bắc.

Đến nay, khu du lịch hồ Hòa Bình đã thu hút 16 dự án du lịch – dịch vụ với tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.300 tỷ đồng và tổng diện tích đất sử dụng khoảng gần 1.450ha. Hầu hết các dự án này được hình thành và cấp chủ trương đầu tư trong bốn năm trở lại đây, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia.

Điển hình như dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson tại đảo Sung của Công ty CP Đầu tư du lịch Hòa Bình với tổng vốn đầu tư 891 tỷ đồng, dự án khu nghỉ dưỡng và sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa của Công ty Hoàng Sơn 474 tỷ đồng hay dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Parahills tại xã Bình Thanh của Công ty CP Beru Group…

Dòng vốn đầu tư nghìn tỷ đánh thức ‘vịnh Hạ Long trên núi’ - Ảnh 1.

Những khu nghỉ dưỡng có thiết kế độc đáo kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo du lịch Hòa Bình

Nếu như các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch quanh hồ Hòa Bình hiện nay phát triển manh mún và nhỏ lẻ, chưa đủ sức hấp dẫn tạo điểm nhấn, thì những dự án mới đang manh nha đều có quy mô lớn, chất lượng cao, không chỉ thỏa mãn được nhu cầu vui chơi giải trí mà còn có thể đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của khách trong nước và quốc tế.

Trong đó, Công ty CP Đầu tư du lịch Hòa Bình đã quyết định nâng vốn đầu tư cho dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson từ 279 tỷ đồng lên 891 tỷ đồng, các hạng mục 2-3 sao trước đây cũng được nâng cấp lên 4-5 sao. Giai đoạn I của dự án dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm nay với tổng cộng 55 căn biệt thự, cung cấp 108 phòng ngủ tiêu chuẩn 4-5 sao.

Toàn bộ dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tới. Đây sẽ là một trong nguồn cung phòng lưu trú và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất cho hồ Hòa Bình trong vài năm tới sau khi công ty đã đưa vào sử dụng công viên nước nổi với 34 trò chơi trên nước ở vịnh Ngòi Hoa.

Một dự án đầy tham vọng khác đang được nhà đầu tư xúc tiến triển khai trên hồ Hòa Bình là khu du lịch nghỉ dưỡng Parahills ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Dự án có diện tích 6,7ha và được thiết kế với 135 căn biệt thự và hai khối khách sạn được quản lý vận hành dưới thương hiệu của một tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án được thiết kế độc đáo chưa từng có dưới dạng mô phỏng hình con ốc hoặc hình cánh buồm hòa mình vào không gian xanh mướt. Ngoài ra, dự án còn có nhiều dịch vụ tiện ích của một khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao như khu thể thao nước, nhà hàng, khu vui chơi trẻ em, khu thám hiểm.

Trong bối cảnh du lịch ven đô được các chuyên gia nhìn nhận là sẽ bùng nổ trong thời gian tới, trong đó, với lợi thế cận kề Hà Nội, tỉnh Hòa Bình được xếp là điểm đến hàng đầu trong những địa phương phát triển du lịch ven đô ở các tỉnh phía Bắc, hồ Hòa Bình có tiềm năng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch, xứng tầm là khu du lịch quốc gia như quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2016. Triển vọng này càng có cơ sở khi chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng đang đầu tư lớn với quyết tâm đưa hồ Hòa Bình đáp ứng cơ bản tiêu chí của một khu du lịch tầm cỡ quốc gia vào năm 2025.

Dòng vốn đầu tư nghìn tỷ đánh thức ‘vịnh Hạ Long trên núi’ - Ảnh 2.

Sau khi Thường vụ Tỉnh ủy ra nghị quyết năm 2017 về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, tỉnh đã tăng tốc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho hồ Hòa Bình. Một trong những dự án trọng điểm, mở thông hướng phát triển cho du lịch hồ Hòa Bình là dự án nâng cấp tuyến đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh, Thung Nai và Suối Hoa, tổng chiều dài gần 25km và tổng vốn đầu tư 756 tỷ đồng.

Hiện dự án đang triển khai với tiến độ khẩn trương, trong đó đoạn đường từ thành phố Hòa Bình đến Bình Thanh đang được mở rộng đáng kể. Cùng với tuyến đường Đại lộ Thăng Long – thành phố Hòa Bình đã đưa vào sử dụng, thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến hồ Hòa Bình chỉ còn 1,5 tiếng.

Ngoài ra, dự án cao tốc Mộc Châu – Hòa Bình với tổng vốn đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng đang được xúc tiến đầu tư. Những dự án hạ tầng này sẽ là “ngòi nổ” cho du lịch hồ Hòa Bình trong những năm tới, nhất là trong bối cảnh xu hướng du lịch và nghỉ dưỡng ven đô được dự báo sẽ bùng nổ ở những nơi có cảnh quan đẹp và cách đô thị lớn dưới 1,5 tiếng ô tô.

Một nút thắt đối với việc phát triển du lịch hồ Hòa Bình từ trước đến nay cũng đã được tháo gỡ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình vào tháng 8/2016. Đây được coi là khung khổ pháp lý quan trọng, mở thông cửa cho các nhà đầu tư khi đưa ra những định hướng quan trọng cho việc phát triển du lịch hồ Hòa Bình tới năm 2030. Bản quy hoạch đã đưa ra định hướng phát triển rõ ràng cho từng phân khu như phân khu Bình Thanh – Vầy Nưa phát triển du lịch thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng; phân khu Ngòi Hoa là trung tâm của khu du lịch hồ Hòa Bình và ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí tổng hợp.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, hồ Hòa Bình cơ bản trở thành khu du lịch quốc gia với khả năng đón trên 1 triệu lượt khách và con số này tăng lên 1,55 triệu lượt vào 2025, mang lại doanh thu 1.800 tỷ đồng. Với khoảng trống lớn về cơ sở lưu trú và dịch vụ giữa thực tại và mục tiêu, dễ hiểu tại sao hồ Hòa Bình đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.