Dự án Vedana Resort ở Ninh Bình có đang “lừa” khách hàng?

Sở Xây dựng khẳng định dự án không được phép kinh doanh bất động sản

Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Siver Cloud Cúc Phương do Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương làm chủ đầu tư và được gọi với tên thương mại là Vedana Resort. Dự án được xây dựng tại xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Căn cứ theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Siver Cloud Cúc Phương được xây dựng với quy mô hơn 16ha. Trong đó bao gồm các hạng mục như Condotel , Bungalow, Biệt thự, Nhà hàng, Bể Bơi… với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 600 tỷ đồng.

Dự án có quy mô công suất: Phòng nghỉ khách sạn (344 phòng) 51.600 lượt phòng/năm, Biệt thự (135 căn) và Bungalow (5 căn) cho thuê 13.680 căn/năm. Dịch vụ vui chơi giải trí và các dịch vụ khác 32.640 lượt khách/năm. Dịch vụ ăn uống 195.000 suất/năm. Thời gian hoạt động kéo dài tới 50 năm 2013 – 2062. (kể từ ngày Công ty ký hợp đồng thuê số 17/HĐ-TĐ ngày 16/1/2013).

Dự án không được phép kinh doanh bất động sản.

Như vậy có thể thấy rằng bản chất, quy mô, thời gian hoạt động của dự án chỉ là khu du lịch sinh thái, thế nhưng điều lạ ở đây là chủ đầu tư dự án – Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương lại đem bán các sản phẩm này cho khách hàng. Điều này đẩy khách hàng vào những rủi ro vô cùng lớn.

Để khách quan thông tin, Pv Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Lê Việt Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình. Tại buổi làm việc, ông Hưng khẳng định: “Chủ đầu tư dự án không được phép kinh doanh đối với các sản phẩm của dự án”. Thông tin thêm về công tác quản lý, ông Hưng cho hay: “Tháng 9 năm 2019 Sở Xây dựng Ninh Bình đã có văn bản v/v tăng cường công tác quản lý để đảm bảo thị trường bất động sản với nội dung khẳng định Vedana Resort không được phép kinh doanh bất động sản”.

Ảnh trong chính sách bán hàng năm 2019 của chủ đầu tư.

Chính quyền không thể phó mặc khách hàng đứng trước rủi ro?

Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Siver Cloud Cúc Phương là một dự án du lịch sinh thái vì thế không được phép kinh doanh bất động sản. Sở Xây dựng cũng đã có văn bản để khẳng định vụ việc, tuy nhiên trước những diễn biến khá phức tạp trong vận hành và kinh doanh của chủ đầu tư nên đã đẩy khách hàng đứng trước những rủi ro kiểu “thả gà ra đuổi”.

Việc kinh doanh các sản phẩm của dự án đang khiến khách hàng gặp nhiều rủi ro.

Thời gian gần đây, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được những phản ánh của khách hàng cho rằng bị chủ đầu tư lừa dối bằng những thông tin quảng cáo hấp dẫn mà không tìm hiểu được bản chất của dự án chỉ là khu du lịch sinh thái.

Trước những diễn biến phức tạp của dự án, tại buổi trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình cũng cho biết: “Hiện nay Sở cũng chưa nhận được phản ánh của cá nhân hay tổ chức nào về việc mua bán các sản phẩm của dự án”. Tuy nhiên, được hỏi về việc làm thế nào để giúp khách hàng có thể nhận biết và tránh được những rủi ro và không nên mua các sản phẩm của dự án, thì khá bất ngờ khi ông Hưng cho rằng: “Nguyên nhân là do hiểu biết của khách hàng. Khách hàng nên tự tìm hiểu kỹ về dự án trước khi quyết định mua bán”.

Đơn của khách hàng đòi lại tiền đặt cọc mua 2 căn hộ.

Hiểu theo câu trả lời của vị Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình thì xem ra có phần vô cảm với khách hàng. Dẫu biết rằng, trước mỗi quyết định xuống tiền tỷ vào các sản phẩm của dự án khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ bản chất của dự án. Nhưng không lẽ chính quyền tỉnh Ninh Bình cùng các Sở ngành lại không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi kinh doanh các sản phẩm nghỉ dưỡng này của Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương nhằm ngăn chặn rủi ro cho khách hàng và ổn định thị trường bất động sản.

Bài tiếp: Ninh Bình không có loại hình Condotel