Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/5/2020

TP.HCM đấu giá 3 lô đất ở Thủ Thiêm

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa có chỉ đạo về phương án đấu giá tài sản tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất.

Theo đó, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của Sở TN-MT về phương án đấu giá tài sản tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất tại các lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4 ha phường Bình Khánh, quận 2.

Ba lô đất này có diện tích gần 46.000 m2, đã hoàn tất xây dựng 14 block với 2.220 căn hộ và các dịch vụ tiện ích. Ngoài ra còn có hồ bơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu công viên và các công trình phục vụ. Hệ thống cấp nước, cấp điện cũng đã được thi công hoàn tất.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: NLĐ

UBND TP giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn Trung tâm phát triển quỹ đất TP thực hiện việc đấu giá nói trên theo quy định và phương án được phê duyệt.

Đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Cục Thuế TP và các cơ quan liên quan hướng dẫn Trung tâm phát triển quỹ đất TP và người trúng đấu giá về phương thức nộp tiền, tài khoản nộp tiền trúng đấu giá sau khi UBND TP phê duyệt phương án giá.

Theo phương án đã được chấp thuận của Sở TN-MT TP.HCM, do 3 lô đất nói trên có giá trị lớn, mục đích đấu giá không phải để ở mà để phục vụ kinh doanh bất động sản, nên đối tượng tham gia đấu giá phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước là 20% giá khởi điểm của giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất tại các lô đất này, không áp dụng thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Phương thức đấu giá là trả giá lên và đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Thời hạn giao đất không quá 50 năm từ thời điểm có hiệu lực của quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

TP.HCM yêu cầu tháo gỡ vướng mắc tại dự án Charmington Iris

Sở KH&ĐT TP.HCM đề xuất, nếu chủ đầu tư dự án Charmington Iris không tháo gỡ được các vướng mắc, đơn vị sẽ thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, đơn vị đã đề xuất thu hồi dự án Trung tâm Thương mại – Dịch vụ – Căn hộ số 76 Tôn Thất Thuyết (Charmington Iris) quận 4, TP.HCM do Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP (Công ty Sabeco HP) làm chủ đầu tư nếu không tháo gỡ được các vướng mắc.

Theo đó, ngày 27/12/2018, UBND TP có quyết định số 5981/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư dự án Charmington Iris. Lý do, cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa chính xác.

Vì vậy, các sở ngành có liên quan phải tham mưu cho UBND TP về tính pháp lý của các văn bản quyết định liên quan đến đất đai, xây dựng được các căn cứ pháp lý cho UBND TP ban hành đối với dự án này. Trường hợp cần thiết phải thực hiện việc thu hồi dự án theo quy định.

Nếu Công ty Sabeco HP muốn tiếp tục triển khai dự án thì phải thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư.

Đồng thời, công ty phải thực hiện hoàn tất việc thỏa thuận bồi thường đối với 14 hộ dân để đảm bảo quyền sử dụng đất hợp pháp trước khi nộp hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án và nộp về Sở KH&ĐT.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu chủ đầu tư dự án Charmington Iris không tháo gỡ được các vướng mắc, đơn vị sẽ thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Mới đây nhất, tháng 3/2020, Công ty Sabeco HP có công văn kiến nghị cho khôi phục quyết định chủ trương đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án Charmington Iris.

Doanh nghiệp này cho biết đã hoàn thành việc bồi thường và di dời 12/14 hộ dân và bàn giao mặt bằng cho UBND quận 4. Đối với 2 hộ dân còn lại, thời gian đầu công ty cũng thỏa thuận bồi thường với mức giá tương đương với 12 hộ đã nhận tiền bồi thường (giá bồi thường trung bình khoảng 80 triệu/m2). Tuy nhiên, về sau 2 hộ này lại yêu cầu bồi thường cả phần đất sân vườn không thuộc sở hữu riêng của 2 hộ.

Hiện chủ đầu tư đã và đang phối hợp với UBND quận 4 để hoàn thiện việc bồi thường, hỗ trợ di dời, đồng thời Công ty Sabeco HP cũng đã ký quỹ tại Ngân hàng Vietcombank để đảm bảo chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.

Chủ đầu tư cũng chuẩn bị 2 căn hộ mới với diện tích khoảng gấp 2 căn hộ cũ của 2 hộ này để hoán đổi. Như vậy, ngay khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, Công ty Sabeco HP đã cơ bản hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ di dời 14 hộ dân theo đúng chỉ đạo của UBND TP.

Song, theo Sở KH&ĐT, không thể nói dự án đã hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ. Thực tế dự án vẫn còn 2 hộ dân mà nhà đầu tư chưa hoàn tất việc thỏa thuận bồi thường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã không đính kèm được tài liệu liên quan đến việc đã thỏa thuận bồi thường cho 14 hộ dân như đã nêu trên.

Qua rà soát hồ sơ liên quan đến dự án, ý kiến của các Sở ngThành và báo cáo của Công ty Sabeco HP, đến nay, UBND TP vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất trên (hiện nay vẫn là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Công ty TNHH Thủy tinh Malaya – Việt Nam).

Trước đó, tại “Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp bất động sản” được tổ chức vào tháng 2/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, những dự án thời gian qua đang bị thanh, kiểm tra hay điều tra nhưng đến nay được cơ quan chức năng cho “chạy” thì các sở ngành phải hỗ trợ doanh nghiệp để hoàn thành tủ tục.

“Hiệp hội đề cập đến 19 doanh nghiệp có dự án đang vướng mắc, kéo dài tôi đề nghị Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan hình thành tổ công tác và gia hạn đến 30/4 phải xong. Hàng tuần tổ công tác phải họp để giải quyết đứt điểm các dự án này. Ví dụ như dự án 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4 đã được thông báo của các cơ quan chức năng rồi thì giờ phải cho chạy lại”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Quảng Ngãi thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư hai dự án

Sáng 28/4, tại kỳ họp 18 (kỳ họp bất thường), HĐND khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư các dự án kè chống sạt lở, kè bảo vệ bờ sông và Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án Kè bảo vệ bờ Bắc Sông Vệ đoạn hạ lưu cầu sông Vệ (QL1A) và đoạn cầu đường sắt tỉnh Quảng Ngãi đã được Trung ương hỗ trợ vốn 45 tỷ đồng. Tại Quyết định 107, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án. Đến nay dự án đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và thẩm định theo quy định.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư nhằm chỉnh trị, khôi phục và chống sạt lở bờ sông nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, nhà cửa, đất đai, tài sản và các công trình hạ tầng của địa phương hai huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa trong vùng dự án đang bị đe dọa trực tiếp; góp phần ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Dự án có quy mô xây dựng mới kè bảo vệ với tổng chiều dài khoảng 1.432m, trong đó, đoạn thị trấn Sông Vệ dài khoảng 932m và đoạn xã Hành Phước dài khoản 500m. Với tổng mức đầu tư khoảng 79 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương (45 tỷ đồng) và ngân sách tỉnh (34 tỷ đồng). Thực hiện trong năm 2020-2021.

Trong khi đó, tiểu dự án Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư khoảng 11 tỷ đồng, dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do EU tài trợ 9,35 tỷ đồng (85%) và vốn đối ứng 1,65 tỷ đồng (15%). Với dự án này, theo yêu cầu của Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Ngãi phải hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư tiểu dự án trong tháng 12/2019 để kịp đàm phán vốn tài trợ của EU. Đến nay, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Tiểu dự án đã được chủ đầu tư tổ chức lập, đã được Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư thẩm định.

Mục tiêu của Dự án là mở rộng phạm vi cấp điện từ nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời) cho các hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Ngãi, nhằm nâng cao tỷ lệ số hộ dân nông thôn của tỉnh được sử dụng điện. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2020. Sau khi hoàn thành Tiểu dự án, sẽ có khoảng 220 hộ được cấp điện; công suất trung bình 0,5kW/hộ.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi có tờ trình đề nghị Thường trực HĐND Tỉnh xem xét để trình HĐND thông qua nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án bổ sung vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020 sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương. Đó là Dự án Chống sạt lở bờ Bắc Cửa Đại và Dự án Kè bảo vệ bờ Bắc sông Vệ đoạn hạ lưu cầu sông Vệ (Quốc lộ 1A) và đoạn cầu đường sắt, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo tờ trình của UBND Tỉnh, Dự án Chống sạt lở bờ Bắc Cửa Đại thuộc nhóm C với tổng mức đầu tư khoảng 55 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Công trình xây dựng nối tiếp tuyến đê chắn cát, chắn sóng dài khoảng 270m (nối tiếp vào tuyến đê của Dự án Chống bồi lấp cửa Đại sông Trà Khúc đang thực hiện).

Tuy nhiên, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Quảng Ngãi chỉ thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án Kè bảo vệ bờ Bắc sông Vệ đoạn hạ lưu cầu sông Vệ (Quốc lộ 1A) và đoạn cầu đường sắt, tỉnh Quảng Ngãi.

P.V (tổng hợp)