Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/7/2020

Đồng Nai: Giao hơn 4,3ha đất cho 3 cơ sở tôn giáo xây dựng các công trình

Theo UBND tỉnh, đến nay, UBND tỉnh đã giao hơn 4,3ha đất tại khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn cho 3 cơ sở tôn giáo gồm: chùa Bửu Lâm, giáo xứ Thành Tâm và giáo xứ Thành Đức để các cơ sở này xây dựng các công trình mới. Đây là 3 cơ sở tôn giáo có các công trình nằm trong khu vực 5 ngàn ha xây dựng sân bay Long Thành.

Trước đó UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường tài sản gắn liền với đất đối với các cơ sở tôn giáo này. Cụ thể, thu hồi hơn 11 ngàn m2 đất thuộc quyền sử dụng của chùa Bửu Lâm; thu hồi hơn 12,5 ngàn m2 đất thuộc quyền sử dụng của giáo xứ Thành Tâm và thu hồi hơn 3,4 ngàn m2 đất thuộc quyền sử dụng của giáo xứ Thành Đức.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sau đó đã chi trả toàn bộ số tiền hơn 27 tỷ đồng là tiền bồi thường tài sản gắn liền với đất của 3 cơ sở tôn giáo.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở TN-MT và các đơn vị liên quan bàn giao sơ bộ bản trích lục và vị trí các lô đất trên thực địa đối với 3 cơ sở tôn giáo. Hiện nay các cơ sở tôn giáo đã thuê tư vấn để lập bản vẽ thiết kế công trình. Sở Xây dựng, Ban Tôn giáo tỉnh và UBND H.Long Thành đang hướng dẫn các tổ chức này về trình tự thủ tục cấp giấy phép xây dựng.

Sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, UBND tỉnh sẽ lập thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3 cơ sở tôn giáo theo quy định của Luật Đất đai để các cơ sở tôn giáo triển khai xây dựng các công trình.

Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng khu đất 29 ha Đa Phước

UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT về một số nội dung đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Trong báo cáo này có nội dung liên quan Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12-5-2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Bản án giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi khu đất 29 ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu), cùng các bên liên quan thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này.

Theo UBND TP Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Đa Phước (gọi tắt là Công ty Đa Phước) đã chuyển nhượng nhà cho người dân vào ở trong dự án.

Do vậy, khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trong khu đất. Sau khi thu hồi, việc giao lại đất cho các hộ dân là không thực hiện được, vì không giao trực tiếp mà phải thông qua đấu giá.

“Trong khi đó, phán quyết của tòa là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này, nên việc này rất khó thực hiện trên thực tế”, báo cáo nêu.

UBND TP Đà Nẵng cũng cho rằng việc thu hồi đất sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn TP. Hậu quả về mặt ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn TP là khó dự đoán được.

Báo cáo cũng đề cập việc Công ty Đa Phước đã đầu tư rất lớn vào dự án. Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, việc thu hồi dự án là thu hồi toàn bộ khu đất và phải thực hiện đền bù về tài sản hợp pháp cho chủ đầu tư.

“Do đó, ngân sách cần số tiền rất lớn để đền bù về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư”, UBND TP Đà Nẵng cho hay.

Ngoài ra, Công ty Đa Phước đã vay của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội lên đến hơn 1.500 tỉ đồng.

Đây là khoản vay để phát triển dự án. Công ty Đa Phước đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất khu đất 29 ha.

Khi toàn bộ quyền sử dụng đất bị thu hồi, Công ta Đa Phước sẽ phá sản. Các khoản nợ ngân hàng trên sẽ trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi và sẽ tác động lớn đến xã hội, gây ra nhiều hậu quả khó lường.

Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện đối với những nội dung vướng mắc về thu hồi đối với khu đất 29 ha nói trên theo Bản án 158/2020/HS-PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Thừa Thiên – Huế kêu gọi đầu tư hai dự án nhà ở xã hội trên 2.200 tỉ đồng

Ngày 17/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã kí 2 Quyết định số 1750 và 1751 về việc Phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội với tổng chi phí 2.241 tỉ đồng.

Cụ thể, dự án nhà ở xã hội được thực hiện trên lô đất có kí hiệu XH1, thuộc Khu B – Khu Đô thị mới An Vân Dương, địa bàn xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy.

Diện tích khu đất khoảng 18.551 m2; diện tích xây dựng tối đa 7.420 m2; diện tích sàn xây dựng tối đa 133.567 m2 (xây dựng khoảng trên 1.400 căn hộ nhà ở xã hội và khoảng 280 căn hộ thương mại). Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 920 tỉ đồng. Hiện trạng khu đất đã hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Dự án nhà ở xã hội thứ hai thực hiện tại khu đất XH6, thuộc Khu E – Khu Đô thị mới An Vân Dương, địa bàn phường An Đông, TP Huế và xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.

Diện tích khu đất khoảng 7,9 ha; diện tích xây dựng tối đa 31.600 m2; diện tích sàn xây dựng tối đa 284.400 m2 (xây dựng khoảng trên 1.900 căn hộ nhà ở xã hội và khoảng 380 căn hộ thương mại). Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.321 tỉ đồng.

Hiện trạng khu đất chủ yếu là đất trồng lúa, đường giao thông và mương nội đồng thuộc xã Thủy Vân và xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy; chiếm 95% diện tích dự án.

Bắc Ninh sắp có dự án nhà ở xã hội hơn 3.280 tỉ đồng

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có Quyết định phê duyệt Đồ án Qui hoạch chi tiết Khu nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp tại phường Vân Dương, TP Bắc Ninh.

Theo phê duyệt, tổng diện tích lập qui hoạch chi tiết dự án khoảng 17,34 ha; dân số dự kiến khoảng 7.268 người. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp và các đối tượng khác theo qui định của pháp luật.

Về qui mô, khu nhà ở xã hội được tổ chức thành các khu đất với chức năng chính: Khu nhà ở xã hội cao tầng, khu nhà ở thương mại thấp tầng, trường học, khu công trình công cộng – chợ, khuôn viên cây xanh tập trung, khu văn hóa, thể dục thể thao… và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Theo đó, đất xây dựng nhà ở xã hội gồm các khối nhà ở chung cư cao tối đa 15 tầng (không bao gồm tầng tum, kĩ thuật), được xác định là các công trình điểm nhấn chính về chiều cao, hình thức kiến trúc tạo cảnh quan đô thị cho dự án.

Đất xây dựng công trình nhà ở thương mại liền kề bố trí tại khu vực tiếp giáp dân cư hiện trạng và Khu đô thị Him Lam, gồm các dãy nhà ở liên kế với chiều cao 5 tầng.

Đất xây dựng công trình công cộng (chợ) bố trí tại khu vực phía đông, tiếp giáp khu vực dân cư hiện trạng, với chiều cao tối đa 5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 40%.

Ngoài ra, đất xây dựng trường học (trường liên cấp) được qui hoạch tại khu vực trung tâm khu nhà ở, tiếp giáp khu văn hóa, thể thao và cây xanh mặt nước, với chiều cao tối đa 5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 40%.

Để xây dựng dự án, UBND tỉnh Bắc Ninh giao chủ đầu tư phối hợp với UBND TP Bắc Ninh, UBND phường Vân Dương tổ chức công bố, công khai đồ án qui hoạch được duyệt và cắm mốc qui hoạch; tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo đúng qui hoạch được phê duyệt.

P.V (tổng hợp)