Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/5/2020

Thanh tra Chính phủ kết luận các vi phạm đất đai ở Kiên Giang

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017.

Bên cạnh việc ghi nhận những cố gắng, ưu điểm, TTCP chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước của tỉnh Kiên Giang về các lĩnh vực nêu trên.

Theo đó, từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho phép tách hơn 17.000 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) trên địa bàn huyện Phú Quốc. Việc làm này dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Ngoài ra, từ năm 2016 đến tháng 6-2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị. Điều này khiến nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng.

Chưa hết, kết luận thanh tra cũng xác định Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn Quốc gia Phú Quốc buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài.

Chỉ doanh nghiệp BĐS mới được tham gia đấu giá 3 lô đất tại khu 38,4ha

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về phương án đấu giá 3 lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4ha (khu đất tái định cư nằm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm), phường Bình Khánh, quận 2.

Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về phương án đấu giá tài sản tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất tại các lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4ha.

Theo Sở TN-MT, 3 lô đất trên có diện tích 45.971,4m2, đã xây dựng xong 14 block với 2.220 căn hộ. Ngoài ra còn có hồ bơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu công viên và các công trình phục vụ. Hệ thống cấp nước, cấp điện cũng đã được thi công hoàn tất.

Thời hạn giao đất không quá 50 năm được tính từ thời điểm có hiệu lực của quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng gắn liền với đất.

Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước là 20% giá khởi điểm của giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất tại các lô đất R1, R2, R3 và nộp vào tài khoản ngân hàng theo quy định, không áp dụng thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Phương thức đấu giá là trả giá lên; đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá.

Về thời gian tổ chức thực hiện đấu giá, Sở TN-MT cho biết trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận Quyết định phê duyệt phương án giá của UBND TP và thông báo giá khởi điểm, phương thức nộp tiền trúng đấu giá của Sở Tài chính, Trung tâm Phát triển quỹ đất ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá để triển khai thực hiện theo quy định.

Dự án BĐS vướng đất công xen kẹt sắp được “cởi trói”

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, với khoản 13 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 6 về cơ chế xử lý phần đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư.

Cụ thể, Dự thảo quy định thửa đất có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; nếu không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê.

Như vậy, chỉ có các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án sản xuất kinh doanh mà có đủ điều kiện hình thành dự án độc lập thì mới phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Các thửa đất không đủ điều kiện hình thành dự án độc lập thì thực hiện giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá, nếu các quy định này được thông qua thì các vướng mắc đối với các phần đất do Nhà nước quản lý, nằm xen kẽ trong các dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện nay sẽ được giải quyết dứt điểm. Nếu quy định này được thông qua sẽ giúp tái khởi động các dự án này, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một trong những điển hình chứng minh sự “khốn khổ” của DN khi dự án có đất công xen kẹt, có thể kể đến dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 (TX Bến Cát, Bình Dương). Năm 2015, Cty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi mua trúng đấu giá dự án này.

Sau khi nhận bàn giao dự án, DN phát hiện có 7.551m2 đất công xen kẹt trong dự án 400 ngàn m2 , nên đã nhiều lần làm đơn đề nghị Bình Dương và được chấp nhận cho hoán đổi diện tích đất khác để được giao hơn 7.500m2 đất này.

Tuy nhiên, sau đó có hai vị khách sau khi ký hợp đồng nguyên tắc với Thuận Lợi, đã xây “chui” hai căn nhà tổng diện tích khoảng 200m2/7.551m2 đất công này, rồi tố Thuận Lợi “lừa bán đất công”. Bình Dương sau đó thu hồi chủ trương cho Thuận Lợi hoán đổi đất, khiến dự án “đứng hình”.

P.V (tổng hợp)