Vợ chồng trẻ cần có thu nhập bao nhiêu để mua được nhà?

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chiếm đến 60 – 70% nhu cầu thị trường, nhưng nguồn cung NƠXH trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng còn rất thiếu.

Trong khi đó, kết quả kiểm toán chương trình NƠXH vừa được Kiểm toán nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến có 15 dự án NƠXH được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành.

Chính vì nguồn cung khan hiếm nên tại phân khúc này thời gian qua thị trường ghi nhận đã có những dự án rất đắt hàng, khách hàng phải bốc thăm chờ may rủi để được một suất mua như dự án: Chung cư Đại Kim (quận Hoàng Mai), Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), chung cư 622 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) và một vài dự án khác khu vực nội thành.

Còn theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP. HCM, vào năm 2018, tỷ lệ nhà giá rẻ từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng/căn còn 2% nhưng bước sang năm 2019 thì phân khúc này gần như không còn và năm 2020 cơ hội mua căn nhà giá rẻ trở nên quá xa vời. Với những người đi làm hưởng lương 15-20 triệu đồng/tháng, việc mua nhà trở thành bài toán quá khó.

Tốc độ tăng giá bất động sản cao hơn việc tăng lương

Thực tế tốc độ tăng giá bất động sản luôn cao hơn việc tăng lương của người đi làm. Theo báo cáo quý I/2020 của Batdongsan.com.vn, hiện giá bán căn hộ tại TP. HCM trung bình là 40,3 triệu đồng/m2, tăng 2% so với quý IV/2020 (39,5 triệu đồng/m2).

Các dự án đang được tung ra thị trường giá thấp nhất cũng xấp xỉ 2 tỷ đồng/căn, dù nằm ở vùng ven Sài Gòn.

Đánh giá về giá nhà ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận định, giá nhà ở vẫn quá cao đặc biệt đối với người thu nhập thấp.

Thậm chí, với những dự án nhà ở phù hợp chứ chưa nói tới tầm trung cấp hay cao cấp thì hiện nay mức giá vẫn cao gấp 8-10 lần tổng thu nhập của 1 hộ gia đình/ năm.

Đơn cử như ở Hà Nội, các dự án chung cư ở phân khúc tầm trung có giá từ 20-30 triệu đồng/m2, những căn chung cư ngoại thành Hà Nội có giá rẻ hơn cũng phải dao động thấp nhất từ 13-20 triệu/ m2. Như vậy, để sở hữu một căn chung cư có diện tích 65 m2, người lao động cũng phải chi ra không dưới bạc tỷ.

Với giá nhà này, một cặp vợ chồng làm công chức phải dành dụm nhiều năm, thậm chí cả chục năm tiết kiệm mới đủ khả năng chi trả.

GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, từng phân tích: thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Thực tế, mức lương cơ bản ở Việt Nam hiện nay còn quá thấp. Trong cơ cấu tiền lương chúng ta đã có quy định dành cho việc mua nhà nhưng thực tế lại không có. Với mức lương hiện tại thì việc xoay sở để đủ chi tiêu hàng ngày đã khó, chứ chưa nói đến việc có dư để sở hữu một căn hộ giữa các thành phố lớn.

Đâu là giải pháp?

Câu hỏi đặt ra, vậy vợ chồng trẻ cần có thu nhập bao nhiêu thì có thể mua được nhà ở Hà Nội? Từng chia sẻ ý kiến này với Infonet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam, cho hay, nếu vợ chồng có mức thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng/tháng, cộng với khoản tiết kiệm 400 triệu đồng thì có thể “liệu cơm gắp mắm”, tức chỉ có thể mua nhà giá rẻ, còn nếu mua căn hộ từ 1,6-2 tỷ đồng cũng là khó.

Bởi lẽ, theo ông Toản, nếu mua căn hộ 1,6 tỷ đồng thì vợ chồng vẫn phải đi vay 1,2 tỷ đồng. Nếu vay ngân hàng tất cả số tiền 1,2 tỷ đồng trong vòng 20 năm thì tiền lãi phải trả ngân hàng mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, hết một nửa thu nhập của hai vợ chồng. Số tiền còn lại để thuê nhà và dùng cho sinh hoạt cả tháng, nếu chưa có con cái thì đỡ, nhưng nếu có con rồi thì số tiền đó để chi tiêu sinh hoạt mỗi tháng cho cả gia đình cũng sẽ khá khó.

Chính vì thế, ông Toản cho rằng, nếu muốn mua nhà thì cần dùng tiền tích lũy và sự hỗ trợ của người thân, bạn bè là chính để đỡ phải mất thêm phí trả lãi vay nhiều hàng tháng. Khi tích lũy được khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng thì việc mua nhà sẽ dễ dàng hơn.

Hoặc một phương án khác ông Toản đưa ra, nếu vợ chồng có số tiền tích lũy ít hơn thì phải chấp nhận phương án mua đất xa trung tâm rồi dựng tạm cái nhà nhỏ để “an cư” rồi tiếp tục “cày” kiếm thêm tiền.

Từ phân tích của ông Toản, mỗi vợ chồng chắc chắn sẽ có phương án mua nhà hợp lý cho mình, để đỡ phải chịu áp lực tài chính hàng tháng.

Vay tiền ngân hàng quá nhiều khi mua nhà sẽ là gánh nặng tài chính, nhiều khi mệt mỏi dẫn đến vợ chồng lục đục, vì thế theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, số tiền vay mua nhà trả góp không nên vượt quá 50% tổng thu nhập trước thuế của người dân. Do đó, nếu 1 gia đình có 2 vợ chồng đi làm với tổng mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, như vậy mỗi tháng họ phải bỏ ra số tiền để trả cho ngân hàng cả lãi và gốc không nên quá 10 triệu đồng.

Vắng bóng căn hộ giá rẻ

Các chuyên gia còn cho rằng căn hộ giá rẻ vắng bóng trên thị trường là do doanh nghiệp không có quỹ đất để làm. Có hai yếu tố để làm căn hộ giá rẻ. Một là diện tích phải nhỏ. Hai là đơn giá bán căn hộ phải thấp. Nhưng cả hai yếu tố này hiện tại rất khó thực hiện.

Giải pháp tạm thời cho người trẻ có tài chính dưới 1,5 tỷ đồng là chấp nhận đi xa hơn một chút, ví dụ ở TP. HCM thì mua nhà tại các khu vực giáp ranh TP. HCM như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay Dĩ An (Bình Dương). Các khu vực này hiện đang có tốc độ phát triển khá tốt, hạ tầng kết nối thuận tiện với TP. HCM, nguồn cung căn hộ cũng khá dồi dào. Hiện các dự án ở những khu vực này có mức giá dao động khoảng 1 tỷ đồng/căn.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, sự cố gắng cải thiện thu nhập để mua được nhà của người trẻ là chưa đủ mà còn rất cần có những chính sách lớn từ phía nhà nước, để điều chỉnh thị trường.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự đồng hành của các ngân hàng thương mại với các gói tín dụng hợp lý dành cho người mua nhà.

Minh Tuệ (t/h)