Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố thông tin tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020.
Nửa đầu năm nay ghi nhận tổng cộng 983 đợt đăng ký phát hành trái phiếu, với giá trị đăng ký 226 nghìn tỷ đồn. Số đợt phát hành thực tế đạt 818 đợt với giá trị phát hành 156 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã ồ ạt phát hành trái phiếu. Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp này đạt 45,59 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,16%.
Giá trị phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản bỏ xa các lĩnh vực khác như dịch vụ, xây dựng, sản xuất, chứng khoán,… và chỉ kém một chút so với các ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm tổ chức tín dụng phát hành tổng cộng 47,34 nghìn tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng 30,29%.
Những năm trước đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều chứng kiến nhóm tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn. Mặc dù vậy, việc các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu đã khiến tỷ trọng nhóm này gia tăng mạnh. Đặc điểm của trái phiếu bất động sản thường là lãi suất cao, thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân bên cạnh nhà đầu tư tổ chức.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp bất động sản huy động vốn bằng trái phiếu là Vinhomes. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam đã huy động khoảng 12.000 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Một loạt các tập đoàn bất động sản lớn khác như TNR Holdings Việt Nam, Tập đoàn Sovico và Địa ốc Phú Long, Novaland và các công ty liên quan hay nhóm công ty của Sungroup cũng huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong nửa đầu năm nay.
Thương vụ có giá trị lớn nhất trong 6 tháng đầu năm nay do Vinhomes phát hành ngày 30/5 với giá trị 3.095 tỷ đồng. Hai đợt phát hành trái phiếu khác có giá trị lớn do các công ty liên quan đến Tập đoàn BRG thực hiện gồm Công ty Phát triển Golf Thiên Đường (2.681 tỷ đồng) và Công ty Đầu tư và Phát triển Golf Bình Hải (2.745 tỷ đồng). Công ty Mặt trời Hạ Long, thành viên của Sungroup cũng thực hiện đợt phát hành trái phiếu quy mô 2.000 tỷ đồng.
Trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng thu hút dòng tiền đầu tư, thậm chí cạnh tranh với cả tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra cảnh báo, nhắc nhở các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân xem xét kỹ rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
Chính phủ cũng từng bước ban hành các biện pháp để siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngày 1/9 tới đây, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực, với nhiều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Một loạt quy định mới về điều kiện phát hành trái phiếu đã được bổ sung và điều chỉnh kể cả so với bản dự thảo gần nhất công bố. Chẳng hạn, mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản,…