Dự án The Matrix One đang được triển khai xây dựng.
Bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định
Cụ thể, vừa qua, tại dự án The Matrix One ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội có thông tin phản ánh mức giá bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất chỉ có 1,5 triệu đồng/m2, trong khi giá bán căn hộ tại dự án lên tới gần 50 triệu/m2. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào?
Qua tìm hiểu được biết, dự án The Matrix One được Thành phố Hà Nội giao cho Công ty CP Mai Linh làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện theo phương thức nhà nước thu hồi đất, giao cho nhà đầu tư thực hiện với diện tích thu hồi khoảng 230.000 m2 của 785 hộ và 4 tổ chức, trong đó chủ yếu là đất thuộc phường Mễ Trì (207.000 m2), còn lại là thuộc phường Phú Đô (hơn 23.000 m2), thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Dự án được UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định 1208/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 về chủ trương đầu tư với nội dung là xây dựng công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở thương mại, dịch vụ Golden Palace A. Hiện nay, chủ đầu tư đã và đang thi công dự án với đầy đủ cơ sở pháp lý theo đúng quy định pháp luật.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất Nam Từ Liêm cho hay, đối với dự án này, chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với nhà nước. Hiện nay, đã có đến 93% diện tích đã thu hồi đất, đa số các hộ dân đã bàn giao đất cho dự án, chỉ còn lại 38 hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa nhận tiền.
Liên quan tới những khiếu kiện, yêu cầu phải nâng giá đền bù đất bởi giá đền bù thấp trong khi chủ đầu tư bán nhà với giá cao đã nêu trên, ông Nguyễn Tiến Hùng – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm cho rằng, dự án đã thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Về giải quyết đơn thư, khiếu nại của hộ dân bị thu hồi đất trong phạm vi dự án, ông Hùng cho biết đều đã được giải quyết đầy đủ. Với một số trường hợp cụ thể, gần đây nhất, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã giải quyết và ban hành thông báo không thụ lý hồ sơ vì đã trả lời đầy đủ theo thẩm quyền.
“Cố tình không bàn giao đất sẽ bị cưỡng chế”
Theo đại diện quận Nam Từ Liêm, trong số 38 hộ dân (trên tổng số 785 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất) đến nay chưa nhận tiền đền bù, có 16 hộ thuộc diện được giao đất. Qua quá trình vận động, tuyên truyền, có 1 hộ nhận, còn 15 hộ. Với các hộ chưa nhận tiền đền bù, theo UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, đa số có liên quan đến công trình trên đất, xác định nguồn gốc đất cũng như mua bán, chuyển nhượng… Hầu hết đều phản đối với mức giá đền bù và có yêu cầu đền bù sát giá thị trường, trong khi đây là dự án thành phố thu hồi đất 100%.
“Việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất đều phải tuân theo các quy định của Nhà nước và thành phố. Về quy trình, các bước thực hiện thì chắc chắn chúng tôi và chủ đầu tư phải đảm bảo làm đúng, còn có ý kiến so sánh chênh lệch giá hoặc yêu cầu được hưởng thêm quyền lợi là do họ chưa hiểu hết vấn đề”, ông Hùng nói.
“Ở đây, các hộ muốn thực hiện theo hình thức thỏa thuận chứ không theo quy định Nhà nước thu hồi đất. Chúng tôi đã vận động, giải thích rất nhiều lần nhưng họ chưa hợp tác” – ông Lê Anh Tuấn, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Nam Từ Liêm cho biết.
Cụ thể, trong quá trình lên phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, quận Nam Từ Liêm đã tiến hành khảo sát giá thị trường và không ghi nhận biến động gì nên quận đã ban hành giá đất cụ thể theo đúng quy định của UBND Thành phố Hà Nội.
Liên quan đến giải quyết đối với các trường hợp nói trên, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Nam Từ Liêm cho hay, quan điểm của quận là vận dụng tối đa chính sách để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, đây là dự án mà mức giá đền bù phải theo quy định của Nhà nước vì đây là dự án Nhà nước thu hồi đất.
Cho rằng việc so sánh giá bồi thường, hỗ trợ với giá bán căn hộ là chưa phù hợp, một chuyên gia về bất động sản cho biết, để có được sản phẩm, nhà đầu tư trước hết phải đóng tiền sử dụng đất cho dự án. Tiếp đó, phải bỏ vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, công viên, đường giao thông… trong phạm vi dự án. Rồi còn phải thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội, nộp thêm 20% giá đất theo quy định.
Bên cạnh đó, để bán được căn hộ thì còn rất nhiều các chi phí khác như: thiết kế, xây dựng, chi phí quản lý, lãi vay vốn… thì mới hình thành được sản phẩm để bán. Phần diện tích có thể xây dựng nhà để bán cũng thu lại còn rất ít vì phải nhường chỗ cho xây dựng hệ thống hạ tầng, đường giao thông, công trình xã hội…
“Nhà đầu tư bán ra mấy chục triệu/m2 là chuyện bình thường, căn cứ trên suất đầu tư của họ và nhu cầu thị trường. Bản chất ở đây là nhà đầu tư ứng vốn ra để tổ chức thực hiện giải phóng măt bằng dự án và không được tính lãi”, ông Hùng nói.
Theo ông Lê Anh Tuấn – cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Nam Từ Liêm, giai đoạn đầu thực hiện dự án, có hơn ½ không chấp hành kê khai, điều tra hiện trạng. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, hiện còn lại 16 hộ không chấp hành. Quận đã ban hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm để có cơ sở bồi thường, hỗ trợ…
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết, mới đây, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đã họp và quan điểm là sau khi sàng lọc, báo cáo thành phố, nếu các hộ dân vẫn không đồng ý nhận tiền đền bù thì quận sẽ tiến hành cưỡng chế, đảm bảo bàn giao đủ 100% diện tích cho nhà đầu tư.
Liên quan tới dự án The Matrix One, tính đến 13/5/2020, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành 803 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 4 tổ chức và 785 hộ gia đình, cá nhân.
Đến nay, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tiếp nhận bàn giao đất, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với 4 tổ chức và 746 hộ gia đình, cá nhân.
Theo Ninh Nhi/Báo Xây dựng