Đổi tên có đổi vận?

Đổi tên sau tai tiếng từ dự án TNR Hold Season

Trong bài viết “Ông lớn nào đứng phía sau nâng đỡ Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ?”, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin việc doanh nghiệp này trong vai trò nhà thầu đã trúng 2 dự án bất động sản lớn qua hình thức chỉ định thầu.

Theo đó, đỡ Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ trở thành nhà đầu tư của dự án Khu đô thị mới Cường Thịnh, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai với tổng chi phí thực hiện dự án lên tới 650.727.199.000 đồng vào tháng 2/2020.

Cuối tháng 12/2019, dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở (Chỉnh trang đô thị – nhà ở thương mại) Quỹ đất giáp mặt đường Âu Cơ – Mở rộng khu số 1 về phía đường Trần Phú (phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) trị giá 355.579.000.000 đồng cũng về tay doanh nghiệp này.

Đổi tên có đổi vận?

Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ có địa chỉ trụ sở đăng ký tại số 47, đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật hiện là ông Nguyễn Đức An.

Công ty thành lập từ ngày 28/09/2007, tiền thân là Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID. Để thực hiện dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn – chung cư TNR Gold Season (số 47 đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội), Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông đã hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (nay là TNR Holdings) để thành lập Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông – VID.

Vào khoảng tháng 10/2018, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016.

Theo đó, dự án TNR Gold Season vào thời điểm thanh tra được xác định là nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, vi phạm quy định về Luật đất đai năm 2013, Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông chuyển nhượng phần vốn góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất (45,832% vốn điều lệ) với giá trị 114,58 tỷ đồng nhưng không kê khai, cơ quan thuế chưa tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định… vv, gây thất thoát Ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ đồng.

Đổi tên có đổi vận?
Dự án TNR Gold Season (số 47 đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội).

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, Sở Tài Nguyên Môi trường, Cục Thuế Hà Nội và Chủ đầu tư dự án. Thời điểm đó, TNR Holdings Việt Nam là đơn vị quản lý, điều hành và phát triển độc quyền dự án.

Sau đó, Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID đã “âm thầm” đổi tên thành Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ, với vai trò nhà thầu, năm 2019 và năm 2020 doanh nghiệp này đã trúng 2 dự án bất động sản lớn nêu trên.

Động thái đổi tên liệu có nhằm mục đích “đổi vận”, tạo tiền đề tốt, tránh tai tiếng trong quá khứ để tiếp tục triển khai các dự án bất động sản trong tương lai? Câu hỏi trên đã đươc phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử chuyển đến Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ, tuy nhiên chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi.

Vài nét về sức khỏe tài chính của Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ

Theo bản công bố thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp cấp ngày 23/10/2015, Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID được tăng vốn điều lệ từ 240 tỉ đồng lên 300 tỉ đồng.

Dữ liệu của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cho thấy, cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 680 tỷ đồng, do Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức và cá nhân bà Phạm Thị Vân Hà góp vốn.

Được biết, đầu năm 2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam chiếm 50% vốn chủ sở hữu, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam chiếm 49,75% vốn chủ sở hữu, nhưng đến cuối năm 2016, 2 công ty nêu trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID, cùng với đó, cá nhân bà Phạm Thị Vân Hà cũng giảm tỉ lệ sở hữu từ 0,25% xuống còn 0,11%.

Báo cáo tài chính cho thấy, doanh nghiệp trên liên tục tăng mạnh về quy mô tài sản cũng như nguồn vốn. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp cũng có nhiều điểm cần chú ý.

Cụ thể, năm 2016, tổng tài tài sản đạt 3.824 tỷ đồng, trong đó có 874 tỷ đồng tiền mặt, chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm 198 tỷ đồng, 1.683 tỷ đầu tư vào công ty con – Công ty TNHH TM – DV Xây dựng Việt Hân SG, 52 tỷ đầu tư vào Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang dưới dạng công ty liên doanh, liên kết.

Tổng nguồn vốn 3.824 tỷ đồng, tuy nhiên nợ phải trả đã chiếm 3.139 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 560 tỷ đồng, nợ dài hạn là 2.578 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số tiền vay và thuê nợ tài chính 1.683 tỷ đồng bằng số tiền mà Công ty CP BĐS Mỹ đầu tư vào công ty con. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2016 là 369 triệu đồng.

Đổi tên có đổi vận?
Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ luôn có sẵn tiền mặt và có khả năng huy động vốn qua kênh vay và nợ thuê tài chính.

Năm 2017, tổng tài sản có sự giảm sút còn 3.398 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt ở mức 628 tỷ đồng, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn chiếm 1.108 tỷ đồng – Tập trung tại dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng tại số 47 đường Nguyễn Tuân – TNR Gold Season. Đầu tư vào công ty liên kết liên danh chỉ còn ở mức 62 tỷ đồng.

Thời điểm 31/12/2017, cơ cấu nợ đã có sự thay đổi, tổng nguồn vốn 3.398 tỷ đồng thì nợ phải trả chiếm 2.625 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 1.877 tỷ đồng, nợ dài hạn là 748 try đồng. Vay và thuê nợ tài chính lúc này đã giảm, chỉ còn mức 500 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 88 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận có được của công ty trong năm 2016, 2017 chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Đến năm 2018, tổng tài sản tăng nhanh chóng đạt mức 5.293 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt có 449 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn chiếm 1.778 tỷ đồng, khoảng 501 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết.

Xét về cơ cấu vốn, trong số 5.293 tỷ đồng tổng nguồn vốn thì có đến 4.335 tỷ đồng nợ phải trả, bao gồm 3.885 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 450 tỷ nợ dài hạn, chính là khoản vay và nợ thuê tài chính.

Khác với năm 2016 và 2017, công ty đã ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 871 tỷ đồng khi dự án TNR Gold Season chính thức mở bán, cộng với gần 9 tỷ đồng thu nhập khác, sau khi trừ các chi phí, sau thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty có 184 tỷ đồng lợi nhuận.

Với lượng tiền mặt sẵn có qua các năm, cộng thêm khả năng vay nợ thuê tài chính dài hạn như trên, không khó để Bất động sản Mỹ có 15% hay thậm chí là 20% tổng mức đầu tư đối với từng quy mô dự án. Đồng thời, báo cáo tài chính cũng cho thấy doanh nghiệp có khả năng huy động vốn khá tốt.

Cái bóng TNR Holdings vẫn còn đậm nét?

Như đã nêu trên, tiền thân của Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ là Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID.

Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID được tạo nên từ Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (nay là TNR Holdings), do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Chủ tịch HĐQT.

Đổi tên có đổi vận?
Liên hệ với Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ tại tòa TNR Tower tại số 54A đường Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Cho đến đầu năm 2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam chiếm 50%, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam chiếm 49,75% vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID.

Đến cuối năm 2016, 2 doanh nghiệp trên mới tiến hành thoái toàn bộ vốn, nhường sân lại cho Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức và cá nhân bà Phạm Thị Vân Hà.

Trong đó, theo nguồn tin riêng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam là đơn vị khá thân thiết với TNR Holdings.

Trước đó, trong dự án TNR Gold Season 47 Nguyễn Tuân, TNR Holdings vừa là cổ đông sáng lập, vừa đóng vai trò là đơn vị quản lý, điều hành và phát triển độc quyền dự án.

Do đó, cái bóng TNR vẫn bao trùm lên Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ dù hiện nay, hồ sơ cho thấy TNR đã thoái toàn bộ vốn, không còn liên quan đến công ty.

Tuy nhiên, những lùm xùm trong quá khứ tại các dự án bất động sản của TNR phần nào ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ. Nhiều nhà đầu tư không khỏi ái ngại viễn cảnh sai phạm sẽ lại theo vết cũ đổ bộ lên các dự án trong tương lai mà doanh nghiệp này mới trúng thầu.

Trong một diễn biến khác, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đến địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 47 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội để liên hệ với Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ.

Tuy nhiên, Ban quản lý TNR Gold Season cho biết, nếu muốn liên hệ chuyển công văn giấy tờ với Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ phải đến số 54A đường Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội – Tòa nhà TNR Tower.

Tại đây, phóng viên được hướng dẫn chuyển nội dung đặt lịch làm việc với Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ tại bộ phận văn thư trên tầng 24.

Hiện, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi hay xác nhận lịch làm việc từ Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin sau khi nhận được phản hồi từ phía doanh nghiệp.

TNR Holdings là một thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG vốn được biết đến là một trong số những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu của Việt Nam.

Tập đoàn Đầu tư TNG – TNG Holdings Việt Nam (tiền thân là VID GROUP) thuộc sở hữu của cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Nguyệt Hường và Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MaritimeBank.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khoá 12, 13 và đại biểu Quốc hội khoá 12, 13. Bà còn có thời gian giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội; Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp đột xuất, bỏ phiếu kín không công nhận tư cách ĐBQH khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do không đủ tiêu chuẩn và cá nhân có đơn xin rút. Sau đó, bà Hường cũng bị bãi nhiệm đại biểu HĐND TP. Hà Nội do vi phạm liên quan đến quốc tịch và kê khai tài sản.

Với mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển hướng hoạt động dưới mô hình tập đoàn, năm 2014, bà Hường đã thôi chức chủ tịch VID Group để làm chủ tịch Tập đoàn TNG.

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN THÔNG MINH CỦA VIMIDO LAND

Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp chủ đầu tư theo: HOTLINE TƯ VẤN 24/7: 0932.3232.67 hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến các dự án của chúng tôi đầu tư, cũng như là dự án mà chúng tôi phát triển và phân phối!





    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Master Minh