Lấn chiếm đất công để kinh doanh
Theo phản ánh, nhiều khu đất công dọc Đường tỉnh lộ 265, Quốc lộ 17 trên địa bàn thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bị “xẻ thịt” để lấn chiếm, ngang nhiên xây dựng công trình ồ ạt đã diễn ra liên tục trong nhiều năm chưa bị xử lý.
Thống kê của UBND thị trấn Trại Cau, dọc đường tỉnh lộ 265 đi qua địa phận các tổ nhân dân số 3, 4, 6 đã phát hiện khoảng 20 trường hợp lấn chiếm chiếm dụng để xây dựng các công trình kiên cố, lợp tôn làm nhà tạm, lều… nhằm phục vụ mục đích ở, kinh doanh, buôn bán… và 70 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên địa bàn thị trấn Trại Cau tính đến tháng 07/2019.
Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết, hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép “tập trung” chủ yếu trên tuyến đường tỉnh lộ 265, khu vực tổ nhân dân số 3 và số 6. Tính riêng tổ 3 đã phát hiện 10 trường hợp có hành vi lấn chiếm, lợp tôn, xây dựng các công trình trái phép để kinh doanh.
Theo ghi nhận của PV, điểm chung của các “lô” đất bị lấn chiếm để xây dựng trái phép đều nằm tập trung tại một khu vực có vị trí đắc địa với mặt tiền hướng ra đường tỉnh lộ – đây là trục đường chính mà hàng ngày những lãnh đạo, cán bộ thị trấn vẫn thường xuyên đi qua và cũng trên trục đường này, cách khu vực lấn chiếm 200m là trụ sở UBND thị trấn Trại Cau.
Khu đất bị phản ánh lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép nằm trên trục đường chính – tỉnh lộ 265 tại khu vực tổ 3 thị trấn Trại Cau. |
Với tổ 6, chính quyền thị trấn đã phát hiện gần 09 trường hợp có hành vi lấn chiếm đất công, trong số đó phải kể đến công trình Café Chờ (Cầu Chờ, Trại Cau) cùng một số công trình lân cận đã bị chính quyền phát hiện từ năm 2016-2017. Tuy nhiên không biết bằng cách nào những hành vi lẫn chiếm vẫn tiếp diễn, thậm chí là xây dựng hoàn thiện các công trình trên đất công mà không gặp phải sự kiểm tra, xử lý dứt điểm từ phía chính quyền sở tại!?
Ngoài lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép còn bị phản ánh có tình trạng đổ đất ra hồ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đời sống sinh hoạt của người dân khác trong khu vực?
Café Chờ – lấn chiếm đất công bị phát hiện từ năm 2016 – 2017 nhưng vẫn hoàn thiện đưa vào sử dụng trái phép. |
Nhiều khu đất bị phản ánh chưa có giấy CNQSD đã tiến hành quây rào, quây tôn để hình thành hộ kinh doanh buôn bán tại tổ 6, thị trấn Trại Cau. |
Trước đó, năm 2017, chính quyền Trại Cau thành lập tổ công tác quản lý trật tự đô thị, giao thông và môi trường. Tuy nhiên khi đưa vào hoạt động thì tình trạng xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra liên tục trong nhiều năm sau đó.
Thay vì xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép, buộc tháo dỡ, hoàn trả lại mặt bằng thì những công trình nêu trên khi bị chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện vẫn… “ung dung” tiếp tục xây dựng, ngang nhiên tồn tại thách thức chính quyền địa phương, sự tôn nghiêm của pháp luật.
Sẽ hợp thức hóa việc lấn chiếm?
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đăng Khoa – Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau thừa nhận có việc người dân lấn chiếm, xây dựng công trình khi chưa được cấp phép, tuy nhiên theo vị đại diện UBND thị trấn Trại Cau đến thời điểm hiện tại đã xử lý 11/20 trường hợp lấn chiếm; đối với xây dựng chưa được cấp phép đã xử lý còn tồn đọng 03 trường hợp.
Tuy nhiên khi PV đề nghị tiếp cận danh sách trường hợp vi phạm lấn chiếm, xây dựng chưa đủ điều kiện; biên bản kiểm tra, xử phạt (nếu có)… ông Khoa xin “khất” và chưa cung cấp được cho báo chí.
Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau xin “khất” chưa cung cấp danh sách các trường hợp vi phạm lấn chiếm, xây dựng trái phép. |
Lý giải nguyên nhân lấn chiếm, ông Khoa cho hay: “Khi thực hiện việc nắn đường, có hộ thì bị thừa ra khoảng 30 – 50m đằng trước chưa làm thủ tục nhập số thửa đất thừa ra vào sổ. Riêng một số hộ thì họ xây dựng trên đất của doanh nghiệp mỏ quản lý, tuy nhiên doanh nghiệp chưa làm thủ tục trả đã cho dân xây dựng là chưa đúng”.
Đề cập đến việc hàng chục công trình ngang nhiên xây dựng trái phép ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau nhận định cho rằng: “Một số hộ dân chưa ý thức được việc xây dựng nhà phải cấp phép xây dựng, chưa chấp hành các quy định của nhà nước về xây dựng nhà ở tại đô thị, một số hộ dân chưa đủ các giấy tờ về đất đai để làm các thủ tục cấp phép như đất chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất.”
Tại buổi trao đổi, PV đặt một số thắc mắc cần làm rõ:
PV: Một số trường hợp khi có hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép (ví dụ quán Café Chờ, khu chợ tổ 3) phía chính quyền địa phương có biết không, thưa ông?
– Địa phương đã nắm được. Riêng đối với công trình Café Chờ khi có hành vi lấn chiếm, xây dựng bên địa phương đã phát hiện từ năm 2016-2017 và cho người xuống kiểm tra. Đối với khu vực tổ 3 cơ bản đã xử lý.
PV: Bên địa phương đã lập biên bản không? Tại sao công trình lấn chiếm để xây dựng vẫn tiếp tục được hoàn thiện?
– Cái đó tôi sẽ rà soát lại nhưng hiện tại chưa có biên bản. Trước kia Cầu Đợi Chờ là khoảng cánh đồng rộng, người dân bên cạnh lấn chiếm ra có hộ gần 1000 m. Tới đây quy hoạch thì sẽ cho đo đạc thì mới có thể xác định được số diện tích lấn chiếm. Sẽ bắt họ phải hợp thức.
Như vậy những khu đất bị “bức tử” để xây dựng công trình trái phép sẽ không bị tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng, thay vào đó sẽ là… hợp thức (?).
Nhiều ý kiến nhận định cho rằng chính quyền thị trấn Trại Cau đã không quyết liệt trong việc xử lý các công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép, tạo tiền lệ xấu cho nhiều hộ dân sau đó có hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép, gây mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, cần xem xét trách nhiệm trước tiên của người đứng đầu địa phương và các cá nhân liên quan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Điều 10, Nghị định 102 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ghi rõ:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
Ngoài ra, buộc các hộ lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép phải tự tháo dỡ, hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng.