Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định xã hội hóa đầu tư giữ vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, được thực hiện thông qua các phương thức chủ yếu như: (i) Phương thức đối tác công tư (PPP); (ii) Phương thức đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT); (iii) Phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, chủ yếu để xây dựng các công trình dân sinh quy mô nhỏ tại cơ sở xã, phường…
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX và Nghị quyết Trung ương 10 Khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đã huy động được nhiều nguồn lực của khu vực tư nhân vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cơ sở hạ tầng TP. HCM phát triển một phần nhờ sự đóng góp từ việc xã hội hóa đầu tư. |
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, chiếm 31,7% GRDP của thành phố và tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2020, đạt khoảng 2,1 triệu tỷ đồng, bình quân chiếm khoảng 35% GRDP của thành phố.
Hiện nay, thành phố đang triển khai 22 dự án đầu tư PPP, với tổng vốn đầu tư 64.244 tỷ đồng; và đang thực hiện các thủ tục đầu tư 166 dự án theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư 324.770 tỷ đồng; và đang kêu gọi đầu tư 293 dự án theo hình thức PPP trên các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác với tổng vốn đầu tư 910.426 tỷ đồng.
Trong đó, đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) là một phương thức xã hội hóa đầu tư quan trọng.
Trong giai đoạn 2015-2017, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, để đầu tư thực hiện các công trình phát triển cơ sở hạ tầng, cầu, đường, môi trường nước, nhà ở tái định cư… góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và khu vực, do các nhà đầu tư trong nước thực hiện là chủ yếu, hoặc liên danh giữa nhà đầu tư trong nước với nước ngoài, hoặc nhà đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư thực hiện dự án BT.
Các dự án BT góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. |
Có thể điểm qua một số dự án BT như sau:
– Dự án BT khu nhà tái định cư Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2, gồm 1.844 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm, có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, do các công ty Tiến Phước, Trần Thái, Keppel Land (Singapore) liên danh thực hiện, được thanh toán hoán đổi bằng quỹ đất 30 ha.
– Dự án BT cầu đường Phạm Văn Đồng dài 13,7 km nối sân bay Tân Sơn Nhất – nút giao Linh Xuân (Thủ Đức), có tổng mức đầu tư khoảng 485 triệu USD, được thanh toán hoán đổi bằng 05 quỹ đất: 2 khu tại phường Thảo Điền (4,42 ha), 1 khu tại bán đảo Thủ Thiêm (4,02 ha), 1 khu đất tại quận 10 (1,8 ha) và 1 khu đất tại phường Long Bình quận 9, do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
– Dự án BT giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), có tổng mức đầu tư 9.926 tỷ đồng, do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư, được thanh toán 84% bằng tiền và 16% giá trị bằng quỹ đất.
– Dự án BT cầu Thủ Thiêm 2, có chiều dài 1.465 m, có tổng mức đầu tư 3.082 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, được thanh toán hoán đổi bằng 26 ha đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
– Dự án BT Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng, quận 3, do Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt hợp tác với Tổng Công ty đền bù giải tỏa làm chủ đầu tư.