Kiên Giang trình Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành vừa ký Tờ trình số 123/TTr-UBND ngày 31/7/2020 trình Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 589,27 km², quy mô dân số là 179.480 người và có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã là Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.
Phường Dương Đông có diện tích 15,06 km², dân số 60.415 người gồm 12 khu phố: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. Phường An Thới có diện tích 34,29 km², dân số 42.095 người gồm 11 khu phố: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, Bãi Nam, Bãi Chướng, Hòn Rỏi.
Quy trình, hồ sơ thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố này đã được tiến hành với đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang và quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc thành lập thành phố Phú Quốc bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Kiên Giang; phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.
Việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch của cả vùng và khu vực theo định hướng của Chính phủ và là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.
Huyện Đông Anh: Hỗ trợ bồi thường tái định cư cho trên 7.300 hộ gia đình
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã lên phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho 7.321 hộ với số tiền hơn 2.463 tỷ đồng.
Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, trong thời gian gần đây, địa bàn huyện tập trung nhiều “siêu dự án” như: Dự án Công viên phần mềm (78ha), Dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (hơn 90ha), Dự án Cung vui chơi giải trí Kim Quy (rộng 101ha), Dự án Thành phố thông minh (tổng diện tích 271ha)…
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được tập trung chỉ đạo quyết liệt và được huyện xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu; trong đó tập trung cao độ GPMB phục vụ các công trình trọng tâm, các dự án trọng điểm của Trung ương, TP và huyện.
Trong quá trình thực hiện công tác GPMB, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo bàn giao đất đúng tiến độ phục vụ thi công dự án.
“Kết quả: giai đoạn 2016 – 2020, đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên 200 dự án với diện tích 443ha, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho 7.321 hộ với số tiền hơn 2.463,77 tỷ đồng. Đã cơ bản hoàn thành công tác giao đất dịch vụ thực hiện chính sách GPMB theo đúng chỉ đạo của TP cho 743/743 hộ đủ điều kiện, đạt 100% kế hoạch. Với những kết quả đạt được, huyện được TP ghi nhận và đánh giá cao” – ông Lê Trung Kiên cho hay.
Để thực hiện được việc này, Bí thư Huyện ủy Đông Anh, công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được quan tâm tập trung chỉ đạo, đi trước một bước, tạo động lực thu hút đầu tư để huyện phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
Đến thời điểm hiện tại quy hoạch phân khu đã phủ kín toàn huyện. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã phê duyệt 102 nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn, các khu đấu giá quyền sử dụng đất tập trung; chấp thuận 128 bản vẽ tổng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch của huyện và TP; cung cấp 865 hồ sơ thông tin quy hoạch, thông tin chỉ giới đường đỏ và giới thiệu địa điểm; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành TP thẩm định, lấy ý kiến cộng đồng dân cư 230 đồ án, dự án.
Bất động sản Long An ‘ăn theo’ cơ sở hạ tầng
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế toàn cầu bị xáo trộn. Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp buộc phải tuyên phá sản, số khác cố gắng cầm cự, chờ thời cơ vực dậy.
Ở lĩnh vực bất động sản, hàng nghìn sàn giao dịch phải đóng cửa, cho thấy một bầu khí ảm đạm của cả thị trường. Tuy nhiên, trong khi thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận gần như “đóng băng”, thì thị trường nhà đất tại Long An vẫn thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Cụ thể, qua khảo sát, mức độ tìm kiếm bất động sản Long An vượt qua 6 địa phương khác tại khu vực phía Nam, đứng vị trí dẫn đầu với con số tăng trưởng ấn tượng 54%. Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường bất động sản Long An vẫn “nóng” bất chấp dịch bệnh là nhờ “ăn theo” cơ sở hạ tầng.
Theo Quy hoạch vùng đô thị TP.HCM, 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa của Long An sẽ được phát triển thành đô thị vệ tinh. Trong đó, Bến Lức có nhiều lợi thế khi giáp ranh với nhiều quận, huyện của TP.HCM và kết nối trực tiếp thông qua hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh như đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, quốc lộ 1…
Tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối Quận 7 (TP.HCM) và Cần Giuộc. Nâng cấp và mở rộng quốc lộ 22, tỉnh lộ 830, tỉnh lộ 824, tỉnh lộ 9… đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc.
Ngoài tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã kết nối xuyên suốt với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thông qua đại lộ Võ Văn Kiệt và Đại lộ Nguyễn Văn Linh, trong năm 2020 tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua các huyện Bến Lức, Cần Giuộc (Long An), huyện Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) thông xe sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ rút ngắn thời gian rất nhiều.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM và Sở GTVT tỉnh Long An đã có buổi họp về việc thống nhất có 23 tuyến đường kết nối hai địa phương quan trọng cần được ưu tiên đầu tư. Trong đó 12 đường hiện hữu cần được đầu tư mở rộng, kết nối đồng bộ; 8 đường triển khai theo quy hoạch được duyệt và 3 tuyến đường cần nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch.
Đặc biệt, đầu tháng 5 vừa qua, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cập nhật đề xuất dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3A từ Bến Thành (TP.HCM) đi Tân Kiên (Long An) để trình Chính phủ phê duyệt.
P.V (tổng hợp)