Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land.
Khi được hỏi, nếu dịch Covid-19 bùng phát lên một lần nữa tại Việt Nam thì thị trường BĐS sẽ như thế nào, bà Hương cho rằng, nếu Chính phủ hành động quyết liệt và có các giải phải hỗ trợ kịp thời thị trường sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề và tâm lý NĐT sẽ quay trở lại. Còn nếu thả nổi để dân tình lo lắng hoang mang thì hậu quả khó lường cho cả nền kinh tế chứ không riêng gì BĐS.
Nữ CEO này cho hay, không chỉ Chính phủ mà doanh nghiệp cũng cần xác định kịch bản ứng phó linh hoạt “sống chung” cùng các giai đoạn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong dài hạn.
Việc phát hiện ca nhiễm mới tại Đà Nẵng mới đây nằm trong kịch bản mình phải đối mặt khi thiết lập trạng thái bình thường mới.
Việc Việt Nam sớm thiết lập trạng thái bình thường mới trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đã chứng minh phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả của hệ thống phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương. Thêm vào đó là sự hợp tác, tin tưởng của người dân vào Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
“Thiệt hại là không thể tránh khỏi nhưng điều quan trọng là có thể duy trì và tồn tại qua đại dịch là việc các doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt qua. Trong đó, việc nhìn nhận tích cực và lạc quan sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin giúp chúng ta tồn tại và phát triển cho dù dịch bệnh”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo vị CEO này, trong một cuộc chiến dài hơi cùng đại dịch, cần một đại kịch bản do Chính phủ chủ trì trong 12-24 tháng sắp tới hoặc dài hơn để đánh giá mức độ thiệt hại đến các ngành nghề kinh tế và an sinh xã hội của người dân cũng như tăng trưởng của nền kinh tế.
Cần tập trung nguồn lực cho các vấn đề cấp thiết đảm bảo đời sống cho người lao động, các gói giải pháp giúp duy trì công ăn việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực thi một cách nhanh chóng, đúng đối tượng, công bằng và minh bạch, mang lại hiệu quả, thật sự tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì và tồn tại khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Song song đó, cần có các chiến lược liên kết theo ngành, theo địa phương, theo khu vực và chiến lược chung của quốc gia nhằm tối ưu nguồn lực phát triển, phát huy được tiềm năng sẵn có. Trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều khó khăn, giải pháp kích hoạt tổng lực thị trường nội địa là sự sống còn cho nền kinh tế trong giai đoạn trước mắt.
“Đây là cơ hội để chúng ta tái định vị và nâng tầm thương hiệu Việt nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ. Việt Nam sẽ là một điểm đến đầu tư an toàn và hiệu quả nếu chúng ta tạo lập được một môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch. Điều quan trọng nhất lúc này phụ thuộc chúng ta gắn kết lại và quyết tâm hành động”, bà Hương chia sẻ.