Loạn dự án bất động sản sân bay
“Vị trí đắc địa tọa lạc ngay mặt tiền đường Hương Lộ 21 kết nối trực tiếp vào cổng sân bay quốc tế Long Thành cửa ngõ hàng không lớn nhất Việt Nam qua ĐT 771, cách cổng KCN Long Thành chỉ 2,5km, kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành; Long Thành – TPHCM… Di chuyển đến Q9 (TPHCM) trong vài phút. Pháp lý minh bạch rõ ràng, “siêu phẩm” đất nền sổ đỏ trao tay hàng hiếm và duy nhất trong khu vực”. Đó là những dòng chữ được chủ đầu tư dự án “bất động sản” Gragon City (tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) quảng cáo về dự án của mình trên mạng. Ngoài ra dự án này còn được giới thiệu có quy mô trên 30 ha, giai đoạn 1 triển khai trên diện tích đất 4 ha với 237 nền.
Khánh, một nhân viên môi giới của dự án này cho hay, các nền ở dự án đã “full” (đầy) khách hàng mua rồi, đang phân phối lại một số nền. Khánh giới thiệu: “Hiện có các lô mặt tiền, lô góc diện tích 100m2- 120m2, giá bán 1,8 tỷ đến 2,1 tỷ đồng. Những vị trí này rất đẹp, thuận lợi để mở văn phòng”. Hình thức mua bán, theo Khánh, khách giữ chỗ chuyển cọc chỉ 20 triệu, trước khi công chứng thanh toán 50%, công chứng thanh toán 45% và nhận sổ thanh toán 5%, thời gian thực hiện hợp đồng là 6 tháng.
Dự án “chui” Gragon City xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp
Đến tìm hiểu thực tế dự án Gragon City mà quảng cáo là đầy đủ “tiện ích đáng sống”, chúng tôi phải băng qua con đường nhỏ xuống cấp, bụi mù khi những chiếc xe ben chở đất san lấp lao qua. “Thành phố Gragon” lọt thỏm trong đám đất được quây tôn, bên ngoài là khu nhà dân ở đã cũ kỹ ở khu phố Long Khánh mới được “lên đời” khi đơn vị hành chính xã Tam Phước vùng sâu của TP Biên Hòa trở thành phường Tam Phước. “Thành phố Gragon” vốn là một khu rừng tràm vừa được san ủi, chia các khu vực đất bằng những con đường trải nhựa nội bộ để phân lô bán nền.
Những ngày qua, trong khi chính quyền tỉnh Đồng Nai gấp rút xây dựng khu tái định cư, chi trả tiền đền bù cho người dân di dời để thực hiện dự án sân bay, thì khu vực gần dự án sân bay cũng đang “nóng” với việc mua bán bất động sản. Gần khu vực dự án tái định cư sân bay Long Thành là hàng loạt bảng hiệu giới thiệu mua bán bất động sản với đủ các loại dự án gắn mác sân bay, cò đất nhan nhản cơ động chào mời khách như những người bán vé số dạo.
Chúng tôi vừa dừng xe bên bìa rừng cao su, nơi chính quyền chuẩn bị dọn dẹp để bàn giao mặt bằng xây sân bay Long Thành, ngay lập tức một thanh niên phóng xe máy tới nhanh chóng tiếp thị cho dự án bất động sản S.K. Không để chúng tôi đợi lâu, thanh niên này tự giới thiệu là Phương, “nhà môi giới bất động sản”. Trải xuống nền đường tấm bản đồ, Phương giới thiệu về dự án với hàng loạt giá trị, lợi thế và các tiện ích khiến nhà đầu tư “mau chóng sinh lợi” là: gần sân bay, gần tòa nhà quốc hội và hàng loạt các trường đại học… Thực chất, các khu mà Phương giới thiệu hiện trạng chỉ là rừng cao su bạt ngàn.
Cảnh báo sập bẫy dự án “chui”
Tin người bạn môi giới, giới thiệu về dự án Graden Trảng Bom do Cty Tiến Nam Phát làm chủ đầu tư với nội dung quảng cáo: “Vị trí đắc địa, nằm ngay trục đường Giang Điền, gần đường 45m nối thẳng vào cổng tây sân bay Long Thành và đường Vành đai 4, gần đường 60m, giao thông thuận tiện”, anh Nguyễn Văn Vượng, ở TP Biên Hòa đặt tiền mua một lô đất trong “dự án” với hợp đồng theo tiến độ, trong thời hạn 6 tháng sẽ nhận sổ. Tuy nhiên quá hạn gần 1 năm, anh Vượng vẫn chưa nhận được sổ đỏ theo hợp đồng. Năm lần, bảy lượt yêu cầu nhận đất hoặc lấy lại tiền, anh Vượng được những người có trách nhiệm trong công ty đùn đẩy qua lại, hứa hẹn giải quyết, nhưng mãi vẫn chỉ là lời hứa. Đến khi anh Vượng nhờ cơ quan chức năng làm rõ, thì công ty mới chịu trả lại số tiền mua đất của anh Vượng.
Trở lại với dự án Gragon City, Chủ tịch UBND phường Tam Phước Võ Cao Cường khẳng định, ở địa phương không có bất kỳ dự án nào có tên Gragon City được cấp phép. Do đó, dự án trên là do chủ đầu tư tự đặt và thi công hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp.
“Cò” chào mời dự án đất sân bay. Ảnh: M.T
Theo hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, khu đất có tên dự án Gragon City là do ông Hoàng Văn Ngọc đứng tên chủ sở hữu, gồm các thửa 154, 155, 156, 157, thuộc tờ bản đồ số 87 ở phường Tam Phước, có diện tích khoảng 4 ha, mục đích sử dụng là đất nông nghiệp. Tháng 3/2016, ông Ngọc lập thủ tục xin tách thửa, chừa đường đi và được Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Biên Hòa phê duyệt cho đo tách thành 47 thửa đất mới, mỗi thửa có diện tích từ 500 m2 trở lên.
Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp. Ngày 11/10/2018, ông Ngọc nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Sau đó, ông Ngọc ủy quyền cho ông Bùi Vĩnh Tuấn – Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển tập đoàn Đông Dương thực hiện thủ tục tìm kiếm khách hàng, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa.
Dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng trong các ngày 12/8 và 8/9/2019, ông Bùi Vĩnh Tuấn đã tổ chức sự kiện kêu gọi đầu tư tại khu đất trên. Phát hiện nhiều khuất tất, UBND phường Tam Phước tiến hành kiểm tra, ông Tuấn không xuất trình được giấy phép tổ chức sự kiện nên đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngưng việc tổ chức, giải tán những người tham gia. Đồng thời, lực lượng chức năng tạm giữ nhiều phương tiện sử dụng cho các sự kiện này như ghế, phông bạt, quạt hơi nước.
Theo UBND TP Biên Hòa, căn cứ bản đồ quy hoạch phân khu C1, phường Tam Phước, khu đất trên thuộc chức năng quy hoạch đất công viên rừng trồng, quy hoạch mở đường, đất ở cải tạo chỉnh trang. Tuy nhiên, khi tách thửa chừa đường ở khu đất nêu trên, chủ đất đã không lấy ý kiến của Phòng Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Liên quan đến khu đất “dự án” Gragon City, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Biên Hòa làm rõ việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Biên Hòa và các đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất xử lý việc tự ý xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp tại khu đất trên.