Khách sạn rao bán ở Đà Nẵng hiện nay chủ yếu từ 3 sao trở xuống và nằm ở các tuyến đường ven biển, giá từ vài chục lên hơn 100 tỷ đồng. Đơn cử như khách sạn 3 sao 10 tầng ở đường Hà Bổng (quận Sơn Trà) rao bán giá 95,75 tỷ đồng. Một khách sạn 3 sao khác cũng ở đường Hà Bổng rao bán 70 tỷ đồng với lý do vỡ nợ.
Cá biệt có vài khách sạn 4 sao cũng rao bán vì lý nợ tiền ngân hàng không còn khả năng chi trả. Đó là khách sạn 4 sao mặt tiền đường Hà Bổng với 10 tầng, rao bán 63,5 tỷ đồng.
Nhiều khách sạn trên tuyến đường du lịch sầm uất Võ Nguyên Giáp cũng rao bán vì kinh doanh ế ẩm, hoặc chủ đầu tư nợ ngân hàng không còn khả năng trả.
Trao đổi với báo Lao động, chị Nguyễn Hoa, chủ một khách sạn tại quận Sơn Trà cho biết: “Lượng khách hiện nay đa phần là nội địa nhưng tâm lý người dân đang chọn nơi nào vừa rẻ vừa đẹp để đi chơi. Các resort, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao hiện nay đang giảm giá rất nhiều, đó là chưa kể các công ty lữ hành bán gói du lịch với nhiều ưu đãi tặng kèm để thu hút khách. Vì vậy, các khách sạn từ 3 sao trở xuống, nằm sát biển, cơ sở tốt đến mấy cũng không thể kéo khách về. Trong khi đó, việc duy trì một khách sạn cần tiền tỉ với hàng trăm nhân sự. Nhiều cơ sở lưu trú đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại là vì cạn nguồn tài chính. Nhiều nơi khác thậm chí nợ ngân hàng thì rao bán. Nếu nói du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất do dịch bệnh COVID-19 thì ngành khách sạn bị “thấm đòn” đau nhất”.
Đường Võ Nguyên Giáp đìu hiu khách. Ảnh: Dân trí.
Ông Nguyễn Minh, Tổng Thư ký Hội khách sạn Đà Nẵng xác nhận, nhiều doanh nghiệp không đủ sức cầm cự qua khó khăn.
Theo ông Minh, với những chủ khách sạn, các nhà quản lý về kinh doanh lưu trú ở Đà Nẵng còn đang duy trì hoạt hoạt động thì điều họ lo lắng nhất là sau khi kết thúc mùa du lịch nội địa, du lịch Đà Nẵng sẽ đón dòng khách nào? Khách nghỉ trú đông, khách vùng Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang bị đại dịch Covid-19 bủa vây.
Ông Nguyễn Minh nhận định, thời gian sắp tới, ngành khách sạn sẽ còn rất khó khăn, mong muốn được sự hỗ trợ hơn nữa của cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng.
“Các chủ đầu tư, các nhà quản lý về các cơ sở lưu trú bị lỗ rất nặng, đặc biệt là những cơ sở đầu tư có liên quan đến hoạt động dư nợ ngân hàng về việc xây dựng đưa vào khai thác kinh doanh trong điều kiện không thuận lợi cho nên xảy ra câu chuyện nợ ngân hàng. Cho nên, Sở Du lịch là cơ quan tham mưu, cùng với các Sở, ngành liên quan như Công thương, các hệ thống ngân hàng của các ngân hàng thương mại đồng hành cùng với doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay”, ông Minh kiến nghị.
Tuy nhiên, nhiều người không tỏ ra mấy bất ngờ. Theo báo Lao động, cuối năm 2019, ông Trần Chí Cường – Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND Đà Nẵng từng đặt vấn đề, thành phố đang tăng mạnh số lượng cơ sở lưu trú khi có tới 158 cơ sở với 4.459 phòng so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, công tác quy hoạch, đầu tư các cơ sở lưu trú du lịch còn thiếu kiểm soát, từ đó đã dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt và chia sẻ lượng khách giữa các cơ sở lưu trú với nhau. Điều này dẫn đến việc dù số lượng khách tiếp tục gia tăng nhưng công suất sử dụng buồng phòng lưu trú du lịch tại Đà Nẵng năm 2019 chỉ đạt 50%.
Đáng chú ý, Đà Nẵng có 943 khách sạn, với số lượng khoảng 40.000 phòng thì số khách sạn dưới 2 sao có 795 khách sạn, chiếm 84% số lượng khách sạn trên địa bàn thành phố. Vậy nhưng công suất buồng phòng chỉ đạt dưới 40%.
Không chỉ tại Đà Nẵng, tình hình kinh doanh khách sạn tại các nhiều địa phương du lịch như Hà Nội vẫn chưa qua thời kỳ khó khăn vì Covid-19.
Thống kê của Savils trong nửa đầu năm nay, nguồn cung phòng khách sạn tại Hà Nội ổn định, nhưng công suất phòng giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21%. Giá phòng theo đó cũng sụt 24% so với 2019, và 14% so với quý trước, còn bình quân 85 USD (khoảng 2 triệu đồng) một phòng một đêm.
Công suất khai thác và giá thuê mỗi đêm khách sạn ở Hà Nội đã giảm thấp nhất từ năm 2016. Cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động thị trường khách sạn trong quý II. Du khách tới Hà Nội nửa đầu năm nay giảm hơn 65%, xuống còn 4,93 triệu lượt, trong đó 987.000 lượt khách quốc tế và hơn 3,9 triệu lượt khách nội địa. Riêng quý II, khách du lịch tới Hà Nội giảm 84%, xuống còn 1,08 triệu lượt.
Các nước đóng cửa vì Covid-19 nên khách du lịch tới Hà Nội chủ yếu là khách nội địa, công tác. Sự thiếu vắng khách du lịch dẫn tới hàng loạt điểm tham quan, khách sạn phải đóng cửa trong tháng 4, doanh thu phòng trung bình khu vực trung tâm giảm 71% theo quý và 84% theo năm. Hai khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao ở khu vực trung tâm vẫn tiếp tục đóng cửa.
“Nhiều chủ khách sạn ở khu vực quận trung tâm như Hoàn Kiếm cho biết vẫn cân nhắc thời điểm mở cửa trở lại vì tình hình kinh doanh èo uột, khách du lịch ít”, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết.
Savills dự báo, với tỷ lệ trống phòng khách sạn ở Hà Nội tương đối lớn, gần 80%, phân khúc này vẫn tiếp tục khó khăn và cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau dịch bệnh.
Nhật Hạ (t/h)