Bỏ hoang cả thập kỷ nhưng chưa bị thu hồi
Theo Luật Đất đai năm 2013, thì sau 24 tháng chậm tiến độ thi công dự án thì chủ đầu tư được phép kéo dài thêm 24 tháng nữa, tức là được phép kéo dài 4 năm. Thế nhưng điều khó hiểu ở đây chính là lô đất rộng hơn 2000m2 của Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã qua 12 năm kể từ ngày giao đất nhưng vẫn đang trong tình trạng để hoang, lãng phí tài nguyên đất.
Năm 2008 Vietcombank được TP Hà Nội giao cho hơn 5.000 m2 đất vàng mặt tiền tại đường Trần Thái Tông để xây trụ sở, tuy nhiên sau 12 năm khu đất trên vẫn được quây tôn, cỏ mọc um tùm. |
Theo giới thiệu lô đất được giao cho Vietcombank vào năm 2008 có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng là “thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc”.
Vietcombank đã vượt qua những ứng viên nặng ký để được xướng tên trong phiên đấu giá lô đất mặt tiền đường Trần Thái Tông với số tiền hơn 265 tỷ đồng. Thế nhưng, sau 12 năm lô đất này vẫn nằm “bất động” và không có thông tin gì liên quan đến việc triển khai xây dựng dự án. Phía đằng sau của dự án vẫn còn dòng chữ Vietcombank và logo cũ của ngân hàng này để đánh dấu sở hữu.
Bên trong hàng rào để hoang suốt 12 năm của Vietcombank chỉ toàn cây dại, nhưng vẫn chưa bị thu hồi. |
Năm 2012, UBND TP Hà Nội khẳng định lô đất của Vietcombank tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm khoản 12, Điều 38 của Luật Đất đai. UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá để lập hồ sơ thu hồi theo quy định.
Nhưng tính thời điểm rà soát đến nay cũng đã 8 năm nhưng lô đất đấy vẫn ‘án binh bất động’ có phải là do UBND Quận Cầu Giấy đã bỏ quên lô đất đắt giá nhất trên địa bàn Quận quản lý?!
Chính quyền có đang ‘nhắm mắt làm ngơ’
Trao đổi với PV, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nếu lô đất được giao mà chậm triển khai, dự án quá lâu để lãng phí tài nguyên đất trách nhiệm thuộc về tất cả các cấp trong đó có cả cấp xã, phường, thị trấn phải phát hiện tất cả những trường hợp vi phạm pháp luật trên địa bàn mình quản lý.
Đối với cấp Huyện, Quận phải chuyển tình hình các dự án treo lên UBND cấp Tỉnh, Thành phố. Nhưng trách nhiệm xử lý thì lại của UBND cấp Tỉnh, Thành phố.
Được biết, lô đất có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng là “thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc”. |
Để tìm hiểu rõ hơn về lô đất, ngày 2/6 PV đã chủ động liên hệ và đặt giấy giới thiệu tại UBND Quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, sau hơn một tháng chúng tôi thông tin và phản ánh phía UBND Quận Cầu Giấy vẫn không hề trả lời.
PV đã nhiều lần liên hệ đến lãnh đạo UBND Quận Cầu Giấy nhưng đổi lại chỉ là sự im lặng khó hiểu của lãnh đạo quận này?
Trước cách hành xử khó hiểu của cơ quan này, PV đã trực tiếp gửi công văn yêu cầu xác minh thông tin nhưng vẫn ‘án binh bất động’.
Quá nhiều lần liên hệ với UBND Quận Cầu Giấy chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía lãnh đạo quận về trường hợp khu đất của Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam “ngủ quên 12 năm” này.
PV rất lấy làm khó hiểu khi UBND Cầu Giấy lại cố tình không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định hiện hành như vậy.
Không hiểu có điều ‘bí ẩn” gì ở lô đất hơn 5000m2 tại khu đắt giá nhất Cầu Giấy mà khiến UBND Quận Cầu Giấy không thể cung cấp thông tin rõ ràng cho công luận?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.