Trong đó, do tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao nhưng tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở.
Đề án đưa ra đã đề cập đến nhiều giải pháp phát triển nhà ở trong bối cảnh TP đang đứng trước áp lực đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở bức thiết, tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực trung tâm, việc xây dựng các dự án nhà ở cao tầng tại các quận nội thành phát triển.
Theo đề án, hiện nay trên địa bàn Tp.HCM có khoảng 1,92 triệu căn nhà trong đó nhà ở riêng lẻ chiếm hơn 88% còn lại là căn hộ chung cư. Thành phố vẫn còn 13.770 căn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Mật độ nhà ở trung bình trên toàn Thành phố là 913 căn/km2, thấp nhất tại huyện Cần Giờ là 29 căn/km2, cao nhất tại quận 4 với 10.894 căn/km2.
Diện tích bình quân về nhà ở của TP đạt 20,1m2/người. Trên địa bàn TP vẫn còn một lượng công trình nhà ở có tuổi thợ trên 30 năm, nhất là chung cư cũ. Giai đoạn 2016-2019 có hơn 98.000 căn nhà ở thương mại, tập trung chủ yếu ở nội thành hiện hữu và nội thành phát triển. Trong khi đó nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2019 có 23 dự án hoàn thành với tổng số 12.828 căn.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở hiện nay là thiếu nguồn cung loại hình nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê. Việc cải tạo xây dựng mới nhà ở thay thế chung cư cũ (hiện chỉ mới hoàn tất di dời được 6/15 chung cư cấp D, cấp nguy hiểm, chỉ mới cải tạo và sửa chữa 116/474 cung cư cũ xây dựng trước năm 1975) di dời nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn nhiều hạn chế (dự tính đến năm 2020 chỉ bồi thường, di dời được 7.231 căn, đạt 36,2% so với chỉ tiêu đề ra).
Đáng nói, hạ tầng kỹ thuật nhà ở nhiều khu vực chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng dẫn tới quá tải về hạ tầng chung. Do tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao nhưng tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở.
Trung bình 5 năm dân số TP tăng 1 triệu người (hiện Thành phố có khoảng 13 triệu người đang sinh sống, làm việc thường xuyên). Tỷ trọng của dân số cơ học tăng thêm tại khu vực nội thành phát triển là 54,5% và ngoại thành là 42%.
Dự báo từ năm đến năm 2030 TP cần khoảng 150 triệu m2 sàn nhà ở (tương đương khoảng 830.000 căn nhà). Để đáp ứng được nhu cầu đó, về diện tích, đến năm 2030 Thành phố sẽ cần tới 946ha để xây dựng chung cư và 850ha để xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Trước tình hình đó, việc hoạch định chính sách phát triển nhà ở lâu dài, ổn định mang tính chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Tp.HCM.