Chuyển mục đích sử đất cho hơn 80 ha đất nông nghiệp tại hai tỉnh
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án trên địa bàn 2 tỉnh: Hà Nam và Hải Dương.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý: UBND tỉnh Hà Nam quyết định chuyển mục đích sử dụng 36,84 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; UBND tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng 44,57 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
UBND 2 tỉnh: Hà Nam và Hải Dương chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13.4.2015 và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11.7.2019 của Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.
Long An: Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm ở dự án Hưng Thịnh Cát Tường
Ngày 23/6/2020, Thanh tra tỉnh Long An cho biết, đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về tiến độ thực hiện chỉ đạo tại kết luận thanh tra Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường. Trước đó, UBND tỉnh Long An có văn bản 2997/UBND-VHXH đề nghị các sở ban ngành báo cáo kết quả thực hiện liên quan đến dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường phát sinh từ sau văn bản 113/UBND-KTTC ngày 8/1/2019.
Theo Thanh tra tỉnh Long An, chủ đầu tư Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh chưa thực hiện đầy đủ chi trả bồi thường cho các hộ dân, chưa thực hiện ký quỹ dự án theo quy định tại điều 42 luật đầu tư năm 2014 và điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.
Chủ đầu tư này cũng chưa nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa. Công ty có phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa và thỏa thuận để giải quyết các hợp đồng tranh chấp với người dân nhưng chưa dứt điểm. Công ty được Sở Kế hoạch Đầu tư Long An chấp thuận cho giãn tiến độ nhưng hiện tại đã trễ hẹn, chưa thực hiện thủ tục giảm tiến độ đầu tư bổ sung theo quy định.
Sở Kế hoạch Đầu tư chưa giải quyết xử lý việc trễ tiến độ thực hiện dự án của Công ty Hưng Thịnh, chưa buộc Công ty Hưng Thịnh thực hiện ký quỹ theo quy định. Sở Kế hoạch Đầu tư Long An lý giải, tiến độ triển khai dự án chậm là do nhà đầu tư gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Sở đang đề nghị công ty báo cáo về việc dự án chậm tiến độ để tiếp tục xử lý giải quyết.
Thanh tra Sở Xây dựng Long An đã phối hợp với phòng kinh tế hạ tầng và UBND xã Đức Lập Thượng làm việc với Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh về việc xây dựng một căn nhà khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở bản vẽ thi công và cấp phép xây dựng nhưng chưa xử phạt, chưa xử lý việc kinh doanh bất động sản của công ty Hưng Thịnh.
Sở Tài nguyên Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh giao đất cho thuê đất dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường diện tích 55.664 m2 tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa theo quyết định số 3433 ngày 18/9/2019, hiện sở chưa trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty. Lý do là Sở Tài nguyên Môi trường mời ông Lê Hữu Hào, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh đến giải quyết một số việc liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông Hào không đến, đã đôn đốc Công ty Hưng Thịnh nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa nhưng công ty chưa nộp.
Tồn hơn 100.000 tỉ, đề xuất cho người nước ngoài mua condotel
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel).
Trong đó có 48 dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đang triển khai xây dựng, với 18.549 căn hộ và 3.359 biệt thự đang triển khai xây dựng.
Báo cáo của 34 tỉnh, TP gửi về Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý I-2020 có năm dự án BĐS được cấp phép đầu tư với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép. Loại hình căn hộ du lịch mới hình thành ở nước ta nhưng đang phát triển rất nhanh, chủ yếu ở các vùng ven biển.
Thời điểm này, thị trường cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho BĐS tăng mạnh, ước tính giá trị tồn kho của các doanh nghiệp đã niêm yết lên sàn tương đương 104.550 tỉ đồng. Lượng tồn kho BĐS chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tại mỗi tòa nhà chung cư cần tăng số lượng nhà ở mà cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu.
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng nhu cầu của các cá nhân nước ngoài với loại hình BĐS du lịch là rất lớn nhưng nhóm đối tượng này chỉ được mua nhà ở. Vì vậy, VNREA kiến nghị cho phép cá nhân nước ngoài mua các loại hình sản phẩm khác như BĐS du lịch để thu hút vốn đầu tư lớn. Việc quản lý có thể thông qua các quy định tương tự như quy định khi người nước ngoài mua nhà ở.
P.V (tổng hợp)