Để giải quyết bài toán làm thế nào để phát triển nhà ở cho công nhân, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, giải pháp căn cơ là cần tăng nguồn cung. Ông Hà lập luận hiện nay đã có các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp chuyên đầu tư nhà ở. Tuy nhiên, 80% là những doanh nghiệp địa phương nhỏ lẻ, xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhưng điều kiện nhà ở chưa được tốt. Chính phủ cần quy hoạch lại các khu vực để xây dựng được mô hình nhà ở cho công nhân phù hợp.
Từ đó, ông Hà đề xuất có thể học tập, phát triển nhà ở cho công nhân theo mô hình Condotel hiện nay. Mô hình này cho phép các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính hạn chế có thể tham gia vào đầu tư và phát triển nhà ở cho công nhân, ngoài nguồn thu từ việc cho thuê hàng tháng, các nhà đầu tư sơ cấp cũng có thể thu lợi khi bất động sản tại khu vực đó tăng giá.
“Như vậy, nếu phát triển theo mô hình Condotel, chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp và thực hiện quản lý, vận hành, cho thuê dự án”- ông Hà khẳng định.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính tới thời điểm này, cả nước phát triển 5,2 triệu m2 nhà ở, đạt trên 40% theo chỉ tiêu đề ra. Nhà ở công nhân mới hoàn thành 28% so với nhu cầu 8,3 triệu m2. Nguyên nhân là trong quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100, có quy định về việc dành quỹ đất để phát triển NƠXH và nhà ở cho công nhân, tuy nhiên chưa có nhiều địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, nút thắt về nguồn vốn, người có thu nhập thấp, khách hàng chưa được tham gia vào vay vốn. Ngoài ra, nguồn vốn Chính phủ dành ra phát triển NƠXH là rất ít.
Hiện nay làm nhà ở cho công nhân có 3 đối tượng tham gia là chủ đầu tư KCN, doanh nghiệp trong KCN hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản.Để đẩy nhanh tiến trình làm nhà ở cho công nhân, với những chủ đầu tư KCN các chuyên gia đề xuất phương án nên được chỉ định giao làm cho khu nhà ở cho công nhân mà không phải đấu thầu.
Nam Anh
Theo Tổ Quốc