Lô đất C3, B9 Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội. |
Được biết, Lô đất C3, B9 Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội có diện tích 1,8ha vốn là đất công cộng, được dùng để xây dựng các công trình công ích cho Thành phố.
Bóc trần thủ thuật để sang tay “đất vàng”
Thật bất ngờ khi tìm hiểu thì 2 lô đất này đã được Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) dùng thủ thuật để sang tay cho công ty CP Đầu tư Thùy Dương (đơn vị liên danh với Handico để thực hiện dự án).
Theo tìm hiểu của PV, năm 2007, khu đất C3, B9 được TP Hà Nội thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ODA và vốn ngân sách. Handico là doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu của TP, được TP chỉ định giao đất để thực hiện dự án công trình công cộng bao gồm bãi đỗ xe, phòng khám y tế, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị.
Sau khi được giao dự án, năm 2014, TP Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch, tăng thêm một số diện tích thương mại, nhà ở để bán tại ô đất hỗn hợp C3. Điều chỉnh xong dự án lại xin rút vốn Năm 2007, TP Hà Nội đã có quyết định giao khu đất C3, B9 cho Handico thực hiện. Handico lấy lý do xã hội hóa để đưa Công ty CP Thùy Dương (gọi tắt Thùy Dương) vào liên danh cùng thực hiện dự án.
Lô đất C3, B9 vốn được TP chỉ định giao để cho Handico thực hiện dự án công trình công cộng bao gồm bãi đỗ xe, phòng khám y tế, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị. |
Năm 2011, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 1,8ha đất này để giao cho Handico và Thùy Dương thuê 50 năm để đầu tư dự án tổ hợp bãi đỗ xe phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại, xây công trình hỗn hợp.
Thời điểm này, dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhưng Thùy Dương đã tự ý mang 40% quyền góp vốn vào dự án để ký hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển nhượng cho công ty CP đầu tư tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI) thu về số tiền 128 tỷ đồng (tương đương 35 triệu đồng/m2).
Số tiền này được Thùy Dương mang đi trả lãi ngân hàng, thanh toán các chi phí phát sinh, không đầu tư vào dự án. Khi sự việc xảy ra, Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác minh, Thùy Dương không chỉ bán 40% quyền góp vốn cho công ty PVFI mà còn lừa bán một số lô biệt thự tự vẽ trên giấy thu tiếp số tiền hơn 20 tỷ đồng của một số cá nhân.
Vào thời điểm tháng 5/2015, Công an TP Hà Nội đã có thông báo và cảnh báo chính thức về những sai phạm của công ty Thùy Dương cho ông Trương Hải Long – Tổng giám đốc của Handico.
Nhưng sau đó, ông Long vẫn cố tình ký các văn bản đề nghị TP Hà Nội cho Handico rút khỏi liên danh và nhượng cổ phần đó cho Thùy Dương với giá trị 0 đồng. Trong khi chỉ cần 1 động tác bán “trên giấy”, Thùy Dương cũng đã bán được 35 triệu đồng 1 m2 đất. Đáng chú ý, ngày 8/7/2015, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (thời điểm đó) đã ký quyết định cho phép Handico rút ra khỏi liên danh.
Đồng thời, trong cùng 1 ngày, ông Tuấn lại tiếp tục ký 3 quyết định giao Thùy Dương làm chủ đầu tư các dự án này.
Khu “đất vàng” hiện thời đang bỏ không |
Cận cảnh khu đất vàng đang thuộc về 1 doanh nghiệp tư nhân. |
Đáng chú ý, vào năm 2012, khi ông Nguyễn Ngọc Tuấn đang làm Chủ tịch Handico, ông Tuấn cũng chính là người ký văn bản đồng ý cho Handico rút khỏi liên danh. Như vậy, trong vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chính là người đề xuất cho Handico rút vốn.
Nhưng khi lên chức Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách lĩnh vực này, ông Tuấn đã tự phê duyệt cho đề xuất của mình. Vốn nhà nước bị biến mất một cách bất thường sau khi được TP. Hà Nội cho phép thành lập liên danh để thực hiện dự án. Liên danh Handico – Thùy Dương đã xin thành lập 2 công ty cổ phần để kế thừa toàn bộ kết quả đã thực hiện.
Handico đã “phớt lờ” yêu cầu của UBND TP Hà Nội như thế nào?
Vào tháng 1/2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã cấp phép thành lập 2 công ty là Công ty CP Thương mại và dịch vụ Handico – Thùy Dương và công ty CP Đầu tư Handico – Thùy Dương.
Được biết, trong giấy phép đăng ký kinh doanh, Handico chiếm 29% vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau khi xin được chủ trương điểu chỉnh mục đích sử dụng đất, bổ sung nhiều hạng mục nhà ở, thương mại dịch vụ, Handico bất ngờ có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin rút khỏi liên danh với lý do tập trung cho các hạng mục đầu tư khác để nhương quyền đầu tư dự án này cho Thùy Dương. Ngày 23/7/2012, TP Hà Nội đã có văn bản trả lời đồng ý.
Tuy nhiên, TP yêu cầu Handico phải làm đúng thủ tục chuyển nhượng 29% quyền thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Nghĩa là, số cổ phần trên sẽ phải được định giá, đấu giá và bán theo quy định.
Vậy mà Handico đã “phớt lờ” yêu cầu này của UBND TP Hà Nội. Ngày 1/4/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư HN đã cấp giấy phép kinh doanh mới trong đó Handico không có tên trong danh sách cổ đông, không nắm giữa một cổ phần nào tại dự án này? Điều khó hiểu, tại báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù có nhắc đến yêu cầu của UBND TP Hà Nội về việc phải thực hiện định giá, đấu giá 29% cổ phần dự án này.
Nhưng, do doanh nghiệp chưa đóng góp 1 đồng nào vào liên doanh nên ông Trần Đức Hoạt – Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (thời điểm đó) đã đề xuất cho Handico được rút vốn mà không hề nhắc đến việc đấu giá 29% cổ phần trên. Trong khi Nhà nước phải bỏ tiền ra để đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng khu đô thị này.
Việc Handico “cho không” mảnh đất này cho Thùy Dương với lý do chưa đầu tư đồng nào nên xin rút. Trong khi Handico hoàn toàn biết năm 2011, Thùy Dương chỉ cần bán 40% cổ phần đã thu về được 128 tỷ đồng tương đương 35 triệu đồng/m2 đất mà không cần phải đầu tư một hạng mục nào.
Từ sự việc được phân tích như trên, khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao 29% cổ phần của Nhà nước tại khu đất vàng này khi chưa được định giá theo đúng quy định của pháp luật lại được chuyển nhượng cho Thùy Dương?. Liệu có hay không việc lợi dụng chức vụ và quyền hạn để tham nhũng, rút ruột vốn, cổ phần của Nhà nước?
Đây cũng là lý do trong báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, TP Hà Nội đang đề nghị phục hồi điều tra đối với dự án này.
TP Hà Nội đề nghị thu hồi dự án để đấu giá theo đúng quy định của luật đất đai và phục hồi điều tra
Liên quan đến dự án C3, B9 Nam Trung Yên, trong báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội gửi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, TP Hà Nội cho rằng, việc Handico xin rút khỏi liên danh và bàn giao toàn bộ dự án và quyền sử dụng đất cho công ty Thùy Dương thực hiện dự án bản chất là việc chuyển quyền tài sản được giao quản lý, khai thác, sử dụng sang tay 1 doanh nghiệp tư nhận, chưa thu được khoản tiền nào về cho ngân sách Nhà nước.
Cho đến nay, Handico – Thùy Dương vẫn chưa thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị quyền tham gia góp vốn trong liên doanh khi thực hiện dự án để thu ngân sách.
Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Luân – Tổng giám đốc công ty Thùy Dương về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án đang chờ tòa xét xử. Đồng thời, ba ngành tư pháp Thành phố đã họp và thống nhất “giao cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội tác ra riêng hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thành 1 vụ án khác để xử lý”.
Vì vậy, TP Hà Nội đề nghị thu hồi dự án để đấu giá theo đúng quy định của luật đất đai và phục hồi điều tra để xác định vi phạm, xử lý đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bài 2: Các cơ quan chức năng nói gì về sự biến mất cổ phần Nhà nước tại dự án này!