Mới đây, tại buổi họp báo trực tuyến của UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết: Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có 55 lô đất còn lại trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, ông Minh cho biết, hiện thành phố tổ chức rà soát các dự án đã giao đất cho các nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khu 2C gồm 6 lô. Do vậy, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có 61 lô được đem bán đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang thẩm định giá khởi điểm, trong tuần sau sẽ trình UBND TP.HCM báo cáo Hội đồng Thẩm định giá để có giá khởi điểm tổ chức đấu giá.
Ông Minh cho biết thêm, TP.HCM đã xin ý kiến Thủ tướng về việc mở tài khoản về quỹ tiền đấu giá. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để hoàn trả nợ vay, chi đầu tư (bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) và hoàn trả khoản tiền TP.HCM đã tạm ứng ngân sách.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Đất Việt, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, việc cần đẩy nhanh đầu tư xây dựng các khu đất đã thực hiện giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị mới Thủ Thiêm là đúng.
“Nếu Nhà nước làm thì phần siêu lợi nhuận thuộc về Nhà nước, bởi khu Thủ Thiêm nếu đầu tư hạ tầng xong, giá đất sẽ còn lên rất cao.
Nếu đấu giá rồi giao tư nhân làm thì nhà đầu tư tư nhân cũng phải tính toán nhưng Nhà nước sẽ mất đi một cơ hội để có thể hưởng trọn phần lợi nhuận ở đây. Cần lưu ý rằng, đầu tư hạ tầng cục bộ ở Thủ Thiêm chỉ là một phần trong hạ tầng chung đi vào khu vực này, mà hạ tầng chung đi vào Thủ Thiêm (các cầu lớn bắc qua Thủ Thiêm, đường hầm qua Thủ Thiêm… ) Nhà nước đều đã bỏ ra hết, giúp đẩy giá đất lên cao. Cho nên, nếu bây giờ Nhà nước bỏ thêm tiền để hoàn thiện hạ tầng khu vực Thủ Thiêm thì Nhà nước hưởng trọn lợi ích này.
Lần này TP đề nghị lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án ở khu phức hợp thể thao, giải trí có lẽ là do TP gặp vướng mắc về vốn. Nhưng như đã nói, khi tổ chức đấu giá hay đấu thầu thì đều phải xem xét đầy đủ các yếu tố trên, tránh để Nhà nước bị hớ”, TS.KTS Võ Kim Cương phân tích.
Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng lưu ý, trong trường hợp lựa chọn phương án đấu giá thì không tính giá hạ tầng vào trong thành phần đấu giá nữa vì đây là trách nhiệm và nó cũng hoàn toàn có thể tính được, chỉ cần theo bản thiết kế tính sử dụng bao nhiêu nhân công, bao nhiêu vật liệu…
“Chỉ đấu giá giá trị của đất trong tương lai, do phát triển mang lại mà thôi. Cái này rất khó tính và khó hình dung hết vì nó phụ thuộc vào thị trường, vào sự phát triển chung của xã hội. Nếu xã hội phát triển thì giá lên, còn xã hội có khủng hoảng thì giá sụt giảm. Cho nên bản thân nhà đầu tư khi tham gia đấu giá cũng phải mạo hiểm. Nhà đầu tư giỏi tính toán sẽ mạnh dạn làm, kiếm được lời, còn tính dở, tính sai thì có khi bị lỗ”, ông Cương nói.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được triển khai quy hoạch từ năm 1996, rộng 930 ha, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, cách trung tâm quận 1 chừng 300 m đường chim bay. Đây là khu đô thị hiện đại và mở rộng của TP.HCM, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á.
TP.HCM khẳng định thực hiện dự án không nhằm kinh doanh bất động sản. Phần lớn diện tích được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện còn thiếu như: quảng trường trung tâm, công viên bờ sông; trung tâm tài chính; trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế; cung thiếu nhi, lâm viên sinh thái…
Tuy nhiên, việc triển khai khu đô thị vấp phải sự phản đối của nhiều người dân ở đây vì cho rằng dự án có nhiều sai phạm. Hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương cả chục năm qua vì cho rằng TP.HCM thu hồi đất của họ trái quy định.
P.V (tổng hợp)