Theo ông Khương, mới đây UBND Tp.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho 63 dự án BĐS, cùng một loạt các chính sách, chỉ thị ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, như gói tín dụng 250.000 tỉ đồng (tương đương 10.6 tỉ USD), hay các quyết nghị liên quan đến việc yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư…, với những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây, sẽ là một công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
“Mặc dù tác động của Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, tôi tin tưởng rằng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021-2022”, ông Khương khẳng định.
Vị chuyên gia này cho rằng, trước tác động kép của đại dịch toàn cầu và những nút thắt pháp lý lâu nay trên thị trường BĐS, rất nhiều doanh nghiệp đã và đang lâm phải tình cảnh khó khăn, thâm chí đứng bên bờ vực phá sản. Ở một khía cạnh khác, cũng có một bộ phận nhóm các nhà đầu tư đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá và cải thiện tình hình kinh doanh. Đó là những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính một cách chừng mực, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm phát triển BĐS.
Theo đó, các doanh nghiệp BĐS, NĐT có năng lực tài chính đang nắm bắt cơ hội hậu Covid-19. Theo ông Khương, nhìn tổng thể, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường BĐS mà còn tác động dây chuyền đến hơn 50 ngành nghề liên quan đến BĐS như xây dựng, vật liệu, thị trường lao động, thị trường tài chính…Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư, vì triển khai các dự án cần đến nguồn vốn rất lớn.
Nhưng đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS không chỉ trong và ngoài nước, là cơ hội rất lớn đối với họ. Những doanh nghiệp này sử dụng đòn bẩy tài chính một cách chừng mực, họ có thể vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội trong khó khăn.
Cụ thể, trong thời gian gần đây, thị trường chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực BĐS.
Nhìn từ bức tranh toàn cảnh, BĐS Việt Nam vẫn là một thị trường có nhiều lợi thế, và thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, ví dụ như quy mô dân ở Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, độ tuổi từ 25-40 tuổi chiếm tỷ lệ 55%, nhu cầu nhà ở và sức mua sắm rất lớn; tốc độ tăng trưởng GDP ổn định 6,5-6,8% trong nhiều năm qua, nền chính trị ổn định, hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ…Đây chính là điều kiện rất tốt để nhà đầu tư có thể yên tâm khi tìm đến đầu tư ở Việt Nam.