Một nửa chặng đường của thị trường BĐS năm 2020 đã đi qua. Bên cạnh một số tín hiệu tích cực về chính sách được đưa ra thì dường như thị trường đang trông ngóng những đột phá hơn nữa ở chặng đường còn lại của năm, để làm tiền đề cho thị trường nhà đất thực sự hồi phục, phát triển trong giai đoạn tới.
Ở góc độ quan điểm cá nhân, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang dự báo, quý 3/2020 dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường BĐS, có khả năng một số khu vực có hiện tượng sốt nhẹ vào cuối quý. Đến thời điểm quý 4/2020 thị trường trở lại ổn định đến Tết 2021.
Còn trong 2 quý đầu năm thì thị trường BĐS ghi nhận sự chững lại, số lượng giao dịch ít. Thậm chí, trước Tết có hiện tượng rút vốn chấp nhận không lời, hoặc chiết khấu 10%. Song song đó, các chủ đầu tư tư điều chỉnh giá, đẩy nhanh tiến độ thi công, pháp lý…được thể hiện rõ ở quý 2/2020.
Chuyên gia này cũng “bắt mạch” thêm giao dịch, mức độ quan tâm của khách hàng dến các phân khúc BĐS trên thị trường. Cụ thể, nhà phố đường nhỏ, hẻm có giá trị cao trên 20 tỉ đồng/căn sẽ rất khó giao dịch. Căn hộ cao cấp và siêu dang sẽ chững lại; Các lô đất vùng ven trên 10 tỉ có hiện tượng xả hàng; đất khu cuối Q.9 giá cao sẽ giảm nhiệt; kinh doanh khai thác căn hộ cho thuê, văn phòng cho thuê sẽ có hiệu quả.
Nói về mức độ tăng giá ở các khu vực, ông Quang cho rằng, BĐS khu Đông vẫn hút khách với các căn hộ giá dưới 2 tỏ và nhà phố dự án 5-6 tỉ . Giá BĐS khu vực này sẽ tăng 5-10%. Trong khi đó, khu Tây vẫn trung thành các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực nhà phố 3-5 tỉ, căn hộ 1.7-1.8 tỉ, giá BĐS tăng 10-15%. Khu Nam giá căn hộ khó tăng , nhà phố đất nền tăng 5-8%.
Về BĐS tỉnh thì đất nền tỉnh theo dọc các khu du lịch vẫn hút khách, các lô 500 -1.000 m2 giá thấp vẫn giao dịch tốt. Long An , Đồng Nai, Bình Dương một số nới giá cao sẽ giảm nhẹ. Nha Trang, Bình Thuận , Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn tăng trưởng tốt.
Còn theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, mặc dù tác động của Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021-2022. Theo ông Khương, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung, tuy vậy, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn.
Điều đáng chú ý của thị trường BĐS năm 2020 là, các chính sách về quản lý đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp đã có dấu hiệu rõ nét trong năm nay. Theo ông Khương, UBND Tp.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho 63 dự án BĐS, cùng một loạt các chính sách, chỉ thị ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, như gói tín dụng 250.000 tỉ đồng (tương đương 10.6 tỉ USD), hay các quyết nghị liên quan đến việc yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư…, với những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây, sẽ là một công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực BĐS, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhìn từ bức tranh toàn cảnh, BĐS Việt Nam vẫn là một thị trường có nhiều lợi thế, và thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, ví dụ như quy mô dân ở Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, độ tuổi từ 25-40 tuổi chiếm tỷ lệ 55%, nhu cầu nhà ở và sức mua sắm rất lớn; nền chính trị ổn định, hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ…Đây chính là điều kiện rất tốt để nhà đầu tư có thể yên tâm khi tìm đến đầu tư ở Việt Nam và cũng là điểm “sáng” của thị trường trong thời điểm sắp tới.
Dự báo về thị trường nhà đất thời điểm cuối năm, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG lại cho rằng, nhìn tổng thể từ giờ đến cuối năm thị trường BĐS vẫn chưa ổn định. Người mua vẫn giữ tâm lý dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên 50% trong số đó nhu cầu nhưng chưa sẵn sàng “xuống tiền”.
Một số chuyên gia trong ngành chung nhận định, thị trường BĐS còn nhiều triển vọng phát triển trong giai đoạn từ 2021 trở đi, tuy nhiên, từ giờ đến thời điểm cuối năm 2020 được điều chỉnh nghiêng về kịch bản trung bình, khó và rất khó do còn chịu tác động của dịch Covid-19. Về tổng thể, kịch bản suy giảm nhẹ vẫn là chủ đạo, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhà đất được đánh giá là thấp. Theo đó, BĐS từ nay đến cuối năm 2020 vẫn được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng.
Theo đánh giá của Vietnam Report, dù thị trường còn nhiều điểm khó nhưng BĐS vẫn còn cơ hội được thể hiện ở các yếu tố như những động thái của Chính phủ về chính sách, tiêu biểu như giải quyết những vướng mắc tồn đọng trong các dự án từ năm 2019 trở về trước; xu hướng hồi hương tránh dịch Covid-19 của kiều bào. Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn về dịch tễ, kinh tế và chính trị, từ đó tạo niềm tin, thu hút kiều bào về nước đầu tư cũng như người nước ngoài đến sinh sống và làm việc khi lượng người về Việt Nam tránh dịch ngày càng tăng.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được thông qua trong tháng Hai và dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Từ đó đối tượng nhóm khách thuê được mở rộng với sự gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu.
Tuy vậy, các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra các điểm cần lưu ý đối với người mua khi tiếp cận thị trường BĐS trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Đó là người mua phải tỉnh táo để không mắc phải các “chiêu lừa” bán đất nền vùng ven; đặc biệt lưu ý đến pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư trước khi “xuống tiền”.
Theo Trí thức trẻ