Đổi chủ có đổi vận
Dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm có tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật khoảng 3.000 tỷ đồng và quy mô quy hoạch lên đến 198,5ha.
Ban đầu dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương làm chủ đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của cán bộ nhân viên, không vì mục đích thương mại và không lợi nhuận, quyết toán chi phí thực tế phân bổ trên m2 sử dụng của cán bộ nhân viên mua đất dự án.
Tuy nhiên, sau thời gian dài dự án không được triển khai đến năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý về chủ trương Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công Thương chuyển nhượng cổ phần thực hiện dự án
Và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM – đã thâu tóm gần như toàn bộ 100% cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công Thương.
Người đại diện theo pháp luật hiện nay của Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương là ông Tseng Fan Chih. Ông Tseng Fan Chih cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Cho đến ngày 15/8/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh mới có tờ trình số 333/Ttr-STNMT do Phó giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Sơn ký gửi UBND tỉnh về việc đề nghị UBND tỉnh phê duyệt mục đích sử dụng đất dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm (đợt 1).
Dự án KĐT sinh Thái Hồng Hạc – Xuân Lâm được phê duyệt từ năm 2010. |
Một tuần sau ngày 23/8/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 23/8/2017, do ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký về việc phê duyệt mục đích sử dụng đất dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm (đợt 1) với tổng diện tích trên 130ha.
Mặc dù, dự án chưa được triển khai nhưng tới ngày 05/4/2019, Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có tờ trình số 141/Ttr-STNMT do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Ngọc Sơn ký gửi UBND tỉnh để nghị UBND tỉnh phê duyệt mục đích sử dụng đất dự án xây dựng KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm với diện tích gần 65ha.
Đến ngày 24/4/2019, UBND tỉnh đã ra quyết định số 181/QĐ-UBND do ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch ký phê duyệt mục đích sử dụng đất của dự án này.
Và tới ngày 27/9/2019, UBND tỉnh mới có Quyết định số 604/QĐ-UBND do ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch ký phê duyệt giá đất cho dự án (đợt 2).
Cũng trong tháng 8/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản số 3103/UBND-XDCB do ông Trịnh Hữu Hùng CVP UBND tỉnh ký gửi Sở Xây dựng xem xét đề nghị điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án này, đề xuất báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 09/9/2019.
Như bài viết trước Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thông tin vào tháng 11/2019 khi có mặt tại dự án PV vẫn chỉ ghi nhận dự án vẫn là khu đất hoang hóa. Những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật đã để hoang nhiều năm người dân địa phương thì đất đã thu hồi nên không thể canh tác.
Thế nhưng không hiểu vì sao UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn tiếp tục giao đất cho Nhà đầu tư cũng như đề nghị điều chỉnh quy hoạch của dự án.
Có phải làm lại ĐTM?
Trong quá trình tìm hiểu về dự án vấn đề quan tâm của Môi trường và Đô thị Việt Nam chính là Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau khi liên hệ với cơ quan chức năng Nhóm PV đã được cung cấp Quyết định số 106/QĐ-TNMT ngày 29/10/2019 của Sở TM&MT do Phó Giám đốc Trịnh Văn Phường ký phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm.
Quyết định phê duyệt ĐTM của dự án từ năm 2010. |
Chủ dự án: Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng công thương. Địa điểm thực hiện hiện: Xã Xuân Lâm, Ngũ Thái, Song Liễu, huyện Thuận Thành.
Tại khoản 7, điều 2 của Quyết định nêu rõ: Định kỳ 06 tháng/lần Công ty phải báo cáo tiến độ đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải bằng văn bản về Sở TN&MT.
Tuy nhiên, theo xác nhận của Sở TN&MT đến nay sau 10 năm ĐTM được phê duyệt, Sở vẫn chưa nhận được bất cứ báo cáo nào của Chủ dự án về vấn đề này.
Điều này cũng phù hợp với việc ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam cho tới tháng 11/2019, dự án vẫn là khu đất hoang hóa, chưa triển khai.
Và như vậy, chiếu theo quy định của Điều 20 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường khi: Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, theo công văn số 3667/UBND-XDCB ngày 14/10/2019 do Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Nhường ký gửi các sở: Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐT Hồng Hạc – Xuân Lâm. Liệu việc điều chỉnh quy hoạch này có làm ảnh hưởng đến môi trường khi tăng quy mô, công suất. Thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đã được quy định tại mục c, khoản 1 điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Và theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án quy định tại phụ lục III nghị định này, trừ các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
Tại điều 4, phụ lục III Nghị định nêu rõ: Dự án lấn biển từ 20ha trở lên, dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng từ 20ha trở lên, đất rừng tự nhiên từ 100ha trở lên; dự án có sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên…
Dự án đã khởi động trở lại từ tháng 5/2020 sau 10 năm nằm ngủ. |
Như vậy, với diện tích 170ha đất nông nghiệp theo Quyết định số 1503/QĐ-UBND ngày 24/11/2011của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thu hồi đất và giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công Thương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm, thẩm quyền phê duyệt ĐTM của dự án thuộc Bộ TN&MT.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở TN&MT Bắc Ninh: Nếu Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM của dự án thì sẽ lấy tham vấn từ Sở TN&MT, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin nào liên quan đến việc này.
Về lộ trình nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước theo quy định, quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án sau khi điều chỉnh… cũng cần được làm rõ.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.