Kinh doanh dịch vụ không phép
Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin trong 2 bài viết: “Hòa Bình: Phát hiện sai phạm tại dự án Onsen Villas xã Mông Hóa” và “UBND TP Hòa Bình có làm ngơ trước sai phạm của dự án Onsen Villas” nội dung phản ánh tình trạng dự án Onsen Villas của Công ty cổ phần đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật, vận hành kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng khi chưa có giấy phép.
Mặc dù cơ quan chức năng thành phố Hòa Bình đã kiểm tra và phát hiện sai phạm nhưng vẫn thờ ơ chưa có những biện pháp xử lý sai phạm.
Dự án Onsen Villas được xây dựng tại xóm Bùi, xã Mông Hóa, Tp Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình với hơn 30 căn biệt thự được xây dựng và thiết kế giống nhau. Đáng chú ý, trong đó có 1 số căn biệt thự đã xây dựng hoàn thiện và đã được đưa vào sử dụng với mục đích du lịch nghỉ dưỡng.
Việc khai thác nước có cần phải xin cấp phép hay không ?
Được biết, hiện nay Onsen Villas đang sử dụng hồ bơi và có 8 căn biệt thự đang hoạt động thì sẽ cần một lượng nước rất lớn để phục vụ cho việc kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng. Thậm chí còn phải phụ vụ cho cả hoạt động xây dựng, hoàn thiện những biệt thự tiếp theo còn dang dở.
Bể bơi trong khuôn viên của dự án |
Khu du lịch nghỉ dưỡng vẫn hoạt động bình thường trong khi chưa được cấp phép |
Về vấn đề này trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử Chủ tịch UBND xã Mông Hóa – ông Nguyễn Xuân Phục xác nhận: Nước ở đây là đang dùng nước khe suối (tức là dùng nước mặt) và việc sử dụng nguồn nước này là không cần phải cấp phép.
Tuy nhiên, để khách quan thông tin và trả lời câu hỏi việc sử dụng nước mặt có phải cần xin phép hay không thì PV đã tham vấn ý kiến Luật sư.
Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết: Đối với việc khai thác sử dụng tài nguyên nước của dự án Onsen Villas. Tài nguyên nước theo quy định tại Luật tài nguyên nước bao gồm: nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối. |
Đối với vấn đề đây là vùng núi chưa có nước sạch tập trung do đó tại dự án sử dụng nguồn nước lấy từ nước chảy khe suối. Các trường hợp không phải đăng ký, xin cấp phép được quy định tại Điều 44 Luật tài nguyên nước năm 2012:
- Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép
a) Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình;
b) Khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
c) Khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối;
d) Khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;
đ) Khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
- Trường hợp khai thác nước dưới đất quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức thì phải đăng ký.
Đối với trường hợp sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì không vượt quá 10m3/ngày đêm không thuộc khoản 2 Điều 44 Luật tài nguyên nước năm 2012 theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 201/2013/NĐ-CP.
Vì thế, Văn phòng Luật sư Kết Nối cũng đưa ra kết luận: Như vậy, căn cứ để xác định cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có phải xin phép khai thác sử dụng tài nguyên nước hay không phải căn cứ vào mục đích sử dụng, khối lượng nước sử dụng và điều kiện cung cấp nước tại địa phương.
Trong trường hợp các cơ sở kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng Onsen Villas sử dụng tài nguyên nước theo đúng các điều kiện kể trên thì không phải xin phép, còn nếu vượt quá 10m3/ngày đêm hoặc tại địa phương xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình mà mực nước đã bị suy giảm quá mức thì phải đăng ký, xin phép.
Như vậy, theo ý kiến phân tích của Luật sư thì có thể hiểu rằng là cần phải có sự quan tâm hơn nữa của UBND xã Mông Hóa cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hòa Bình để xác định được việc sử dụng nước mặt tại dự án Onsen Villas với trữ lượng là như thế nào? Nếu như vượt quá 10m3/ngày đêm áp theo quy định của pháp luật thì Công ty cổ phần đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật cần phải đăng ký giấy phép khai thác sử dụng nước mặt.
Theo xác nhận tại địa phương thì việc sử dụng nước mặt tại dự án Onsen Villas là chưa được cấp phép. Một lần nữa đề nghị UBND xã Mông Hóa, Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cần phải sát sao hơn nữa để tránh cạn kiệt nguồn nước ?
Liệu rằng việc làm này có quá khó đối với thành phố Hòa Bình hay không? Bởi ngay cả đến hoạt động du lịch nghỉ dưỡng không phép mà thành phố Hòa Bình còn không ngăn chặn xử lý, thì câu chuyện xác định việc khai thác nước có cần được cấp phép hay không xem ra khó hơn?
UBND thành phố Hòa Bình cố tình làm ngơ trước sai phạm của dự án Onsen Villas. Kể từ ngày 22/4/2020 tổ công tác đứng đầu là Chánh thanh tra thành phố Hòa Bình đi kiểm tra và phát hiện dự án Onsen Villas kinh doanh nghỉ dưỡng không phép tới nay (trung tuần tháng 5), cơ quan chức năng thành phố Hòa Bình chưa có bất cứ động thái nào để xử lý những sai phạm của dự án, mặc dù Chủ tịch UBND thành phố đã giao cho Phó chủ tịch UBND thành phố ông Bùi Quang Điệp phụ trách và thông tin tới báo chí.
Liệu Chánh thanh tra thành phố Hòa Bình ông Trần Thanh Tùng và Phó Chủ tịch UBND thành phố ông Bùi Quang Điệp đã làm hết trách nhiệm của mình. Bởi nếu như tận mắt nhìn thấy cảnh hoạt động rầm rộ nhưng không phép của Onsen Villas thì chắc hẳn ai cũng phải lo ngại cho tình hình an ninh trật tự của vùng sơn cước vốn dĩ rất yên bình này.
Đảng bộ và chính quyền thành phố Hòa Bình đang tập trung lo tổ chức Đại hội Đảng các cấp lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tuy nhiên không phải vì thế mà bỏ quên không giám sát hay xử lý sai phạm ở đây.