Trong nguy có cơ
Báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, bất chấp đại dịch, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất khi có đến 29% số người được hỏi lựa chọn bất động sản như một kênh đầu tư hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tỷ lệ này áp đảo so với các kênh đầu tư khác như gửi tiền tiết kiệm (24%), vàng (17%), chứng khoán (12%). Như vậy, kênh nhà đất đứng đầu trong lựa chọn về đầu tư. Điều này không khó hiểu bởi từ lâu, với người Việt Nam, bất động sản không chỉ là tài sản có thể tăng giá theo thời gian mà còn là một kênh tích trữ và đảm bảo giá trị tài sản.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, trong nguy có cơ, các công ty sau khi trải qua đợt dịch vừa rồi vẫn có được nhiều cơ hội để phát triển. Đầu tiên, đó là cơ hội nhìn từ chính hành vi của người tiêu dùng. Sự thay đổi về hành vi của người dùng sang tìm kiếm và mua sắm online nhiều hơn là cơ hội để các chủ đầu tư có thể thay đổi các phương án kinh doanh.
Thứ hai, người dân có nhu cầu ở thực nhiều hơn thay vì nhu cầu đầu tư đầu cơ nên các nhà phát triển có thể nghiên cứu xây dựng các dự án ở thực, có chất lượng cao, môi trường sống tốt.
Thứ ba là việc áp dụng công nghệ vào quá trình giao dịch bất động sản làm tăng năng suất, hiệu suất, đảm bảo số liệu chính xác nhất. Tuy nhiên, công nghệ không thể thay thế được con người trong lĩnh vực bất động sản, bởi đây là một cuộc chơi “cảm xúc” không thể thiếu yếu tố con người. Vấn đề ở đây là làm sao có thể sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả bán hàng.
Dự báo về kịch bản thị trường 6 tháng cuối năm, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, với kịch bản lạc quan, kinh tế tăng trưởng ổn định thì giá bất động sản ổn định, không giảm. Các loại hình bất động sản đầu tư lớn bị ảnh hưởng, còn loại hình nhà ở chung cư, nhà riêng vẫn tăng trưởng bình thường.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, trong quý 2/2020, thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều. Phần lớn giao dịch sẽ chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu thực của người dân vẫn ở mức cao. Nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn không nhiều, kịch bản hiếm hàng mới tiếp tục kéo dài. Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều.
Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh). Thực tế này sẽ gây nên áp lực vốn cho các dự án buộc chủ đầu tư phải giảm giá.
Ông Đính cho rằng thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP.HCM. Với diễn biến hiện tại, giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Ở mỗi địa phương, rất có thể tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước. Giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương. Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngược lại, khu vực nào đang tồn nhiều hàng và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị không tương xứng thì giá bán có thể giảm.
Về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Đính cho rằng quý 2/2020 có thể vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông” đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bởi đây vẫn là giai đoạn chưa kết thúc các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Nếu đến tháng 5 và tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ thức tỉnh và có sự khởi động.
Người có tiền vẫn mua nhà đất
Có bạn làm trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), chị Hạnh (ngụ Thanh Hóa, chuyên gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu) đã gọi điện thoại nhờ mua một căn nhà hoặc một lô đất trị giá khoảng 4 tỉ đồng để đầu tư sau một thời gian dài “ôm” tiền vì dịch Covid-19. Chị cho biết gia đình có dư khoảng 4 tỉ và đang tìm kiếm một cơ hội đầu tư vào nhà đất tại TP.HCM, kỳ vọng lợi nhuận khoảng 10 – 20%/năm.
“Ngoài này chị cũng đầu tư đất nhưng lợi nhuận không nhiều và muốn tìm kiếm, thử vận may ở trong TP.HCM. Nếu có lô đất nào khoảng 4 tỉ, em giới thiệu chị bay vào liền hoặc gửi tiền để em đầu tư hộ chị”, chị Hạnh nói.
Tương tự, anh Hoàn Vinh (ngụ Hà Nội) cũng gọi điện nhờ bạn bè tìm kiếm một lô đất khoảng 3 tỉ đồng “quanh quanh” TP.HCM để đầu tư bởi “đất Hà Nội mấy năm nay tăng ít”. Khi được hỏi đầu tư BĐS lúc này, không sợ dịch Covid-19 quay lại, thị trường đóng băng hay sao, anh Vinh cho biết do là tiền nhàn rỗi, không phải vay ngân hàng nên tiền để đó cũng không làm gì.
“Sau một thời gian thị trường BĐS không có giao dịch vì dịch Covid-19 thì nay đã bắt đầu sôi động trở lại. Không những thế, BĐS là kênh đầu tư an toàn, người càng đông trong khi đất không nở thêm ra nên chắc chắn giá sẽ tăng, khó mà giảm. Chính vì vậy tôi đã quyết định săn đất nền để đầu tư”, anh Hoàn Vinh chia sẻ.
Một tập đoàn BĐS tại TP.HCM mới đây mở bán 1.000 căn hộ tại Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) dù chưa làm sự kiện nhưng đã được khách hàng đặt mua gần hết dù mức giá đưa ra không hề rẻ, khoảng 40 triệu đồng/m2. Trước sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường, công ty này dự kiến sẽ mở bán tiếp một dự án biệt thự khác ở TP.Vũng Tàu, với giá bán mỗi căn biệt thự không dưới 14 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, đánh giá: Dù khách hàng đã mạnh dạn xuống tiền nhưng tâm lý vẫn chưa “hồi phục” hoàn toàn, chưa kể dòng tiền của khách hàng và cả doanh nghiệp vẫn đang “tắc” ở các kênh đầu tư khác. Dẫn chứng tại khu đô thị Vạn Phúc (Q.Thủ Đức, TP.HCM), dù các sản phẩm mở bán gần đây ở phân khúc cao cấp với giá khoảng 23 – 26 tỉ đồng/căn shophouse nhưng khách hàng vẫn mua nhiều. Mấy chục căn shophouse đã bán hết và hiện công ty đang mở bán khu mới với mức giá cao hơn. Trong đó, đa số khách hàng mua là để an cư, chiếm khoảng 90%.
“Do thị trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và dòng tiền của khách hàng vẫn khó khăn nên công ty đưa ra chính sách mua nhà chỉ thanh toán 25%, sau 2 năm nhận nhà thanh toán hết phần còn lại. Vì tiến độ thanh toán giãn ra 2 năm để khách hàng xoay xở nên mới tạo được thanh khoản tốt. Quan trọng nhất hiện nay là giải pháp về kích cầu, tạo được sự cộng hưởng đến khách để họ bớt tâm lý lo sợ. Đến thời điểm này có thể khẳng định, kinh tế Việt Nam hồi phục là tất yếu, tốt hơn các nước, trong khi môi trường đầu tư của nước ta vẫn đang thuận lợi hơn các nước ở khu vực. Chính vì vậy, dư địa cho ngành BĐS vẫn phát triển, đầy tiềm năng”, bà Hương nhấn mạnh.
Mộc Diệp(TH)/ Sở hữu trí tuệ