Đó thực sự là một “cú sốc” đối với thị trường BĐS khi mọi hoạt động kinh doanh lao đao, từ những kế hoạch nhân sự, marketing và dự án đều “phá sản”. Thị trường BĐS rơi vào tình trạng trầm lắng chưa từng có kể từ 2014 đến nay. Kết quả là đã có 800 sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa vì không trụ nổi tính đến tháng 3 (theo Hội môi giới), cùng với khó khăn pháp lý hàng trăm dự án BĐS “đứng hình” khiến hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh đang có nhiều tín hiệu lạc quan, đang được kiểm soát tốt. Dịch bệnh đầu năm 2020 khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp, nhưng cũng không ít đơn vị đã chủ động ứng phó, “sống chung an toàn” với dịch, chủ động hành động để thích nghi. Nhiều DN đã cắt giảm mọi khoản chi phí cố định đến mức tối đa, từ nhân sự, chi phí mặt bằng, chia sẻ khó khăn với ngân hàng để giãn nợ, mục tiêu là cần sự tồn tại cho đến khi hết dịch.
Với nhiều tập đoàn lớn nhiều kinh nghiệm đã chủ động thay đổi chiến lược theo xu thế của thị trường nhằm bắt kịp nhu cầu. Chẳng hạn Vinhomes đã chủ động xây dựng mô hình bán hàng trực tuyến ngay từ cuối năm 2019. Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Như An, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinhomes cho biết, từ 1 năm trước Vingroup đã định hướng trở thành tập đoàn công nghệ – công nghiệp – dịch vụ và Vinhomes online cũng không nằm ngoài định hướng này, sự ra đời của sàn trực tuyến mới đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên đúng vào giai đoạn Covid-19 căng thẳng.
Bên cạnh Vinhomes, Sunshine cũng áp dụng mô hình bán hàng BĐS online từ cuối năm 2019 từ lúc dịch bệnh chưa hoành hành; Hay một tập đoàn khác là Hải Phát Land cũng đang ráo riết kiện toàn xây dựng ứng dụng công nghệ trực tuyến vào hoạt động giao dịch đặt cọc BĐS online; Cenhomes cũng đã áp dụng việc bán nhà trên nền tảng công nghệ thông minh từ trước đó,…
Chuyên gia Công ty tư vấn JLL, chia sẻ: “Các doanh nghiệp BĐS nên ứng phó theo phương án chia nhỏ từng giai đoạn, từ 1-2 tuần cần lập ra nhóm phản ứng khẩn cấp tìm ra giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh, liên tục nghiên cứu những tác động ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Giai đoạn tiếp từ 3-4 tuần cần theo dõi đánh giá tình hình liên tục và tăng cường hỗ trợ công nghệ làm việc từ xa. Giai đoạn tiếp theo có thể kéo dài từ 1 đến 3 tháng, cần thận trọng đưa ra các quyết định và cần chú ý đến sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp.”
Có lẽ với diễn biến thị trường không nhiều thuận lợi như hiện nay, chiến lược phổ biến nhất mà các doanh nghiệp địa ốc áp dụng hiện giờ, đó là ứng phó nhanh và điều chỉnh mục tiêu theo từng giai đoạn ngắn hạn. Các doanh nghiệp chủ động và tích cực làm việc với các đối tác ngân hàng để giãn nợ, không nên mạo hiểm trong các khoản vay bất động sản sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và khách hàng.
Trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ có lẽ đang có sự thay đổi rõ rệt nhất trong chiến lược sống còn đối với các doanh nghiệp, bởi đó là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Theo Savills, trong quý 1 hầu hết các khách thuê đều yêu cầu hỗ trợ tiền thuê và được chủ đầu tư tiếp nhận và giải quyết riêng lẻ. Đơn vị này khảo sát gần đây cho thấy họ cung cấp mức giảm giá thuê tháng phổ biến từ 10 – 30% và một số trường hợp lên đến 50%.
Nguồn cung mới mặt bằng bán lẻ trong 9 tháng tới có đến 87% là nằm ở ngoài khu trung tâm, nên điều này có thể dẫn đến giá thuê trung bình sẽ giảm. Việc người tiêu dùng phải đối mặt với việc giảm thu nhập và sự không chắc chắn tăng, các chủ đầu tư hiện đang xem xét trì hoãn thời điểm tham gia vào thị trường.
Tuy nhiên, với kì vọng dịch sớm kiểm soát, tình hình cải thiện trong việc quản trị tài chính, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các chương trình kích cầu chưa từng có làm tăng kỳ vọng về sự phục hồi nhanh chóng ở Việt Nam. Theo dự báo gần đây nhất của ADB, với mức tăng trưởng 4,8% trong năm 2020, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP cao nhất châu Á và dự báo đạt 6,8% trong năm 2021.
Bà Từ Thị Hồng An – Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại Savills TP HCM cho rằng, thời cơ của ngành bán lẻ trong thời gian sắp tới chủ yếu nằm ở việc thay đổi cấu trúc kinh doanh. Những thay đổi này bao gồm phát triển thương mại điện tử, điều chỉnh phương thức tính giá thuê hoặc thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Bà Từ Thị Hồng An – Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại Savills TP HCM
Một điểm lưu ý tích cực, chi phí thuê giảm sẽ tạo động lực cho ngành. Các nhà bán lẻ hiện hữu sẽ phải đổi mới các chiến lược bán hàng tại cửa hàng và trực tuyến để phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Các ngành bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh như ăn uống, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim sẽ phục hồi nhanh hơn những ngành khác khi dịch bệnh kết thúc và người tiêu dùng địa phương sẽ nhanh chóng trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau nhiều tháng bị cách ly xã hội. Các ngành liên quan đến kinh doanh trực tuyến như thời trang có thể phục hồi chậm hơn khi hành vi tiêu dùng thay đổi, từ mua sắm tại cửa hàng sang mua sắm trực tuyến.
Với tầm nhìn phát triển bền vững trong dài hạn ở cả hai phía chủ cho thuê và khách thuê, có thể cần xem xét đến các phương án như: Gia hạn thời gian thuê trong thời gian 3 tháng; Hoàn trả tiền thuê trong vòng 9-18 tháng tiếp theo hoặc trong thời gian còn lại của hợp đồng thuê; Thanh toán tiền thuê hàng tháng trong thời kỳ khủng hoảng; Phí dịch vụ duy trì mức tối thiểu và được thanh toán hàng tháng…