Sẽ có nhà ở thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2

Phát biểu tại hội thảo giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19 do Báo Xây dựng phối hợp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 12/6, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian qua phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, trong đó bất động sản.

Tuy nhiên, về tổng thể đại dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản mà mới tác động đến một số yếu tố riêng lẻ của thị trường cũng như hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ, có tiềm lực yếu về tài chính.

Sẽ có nhà ở thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng, ông Sinh cho biết, trong thời gian qua, các chủ đầu tư lớn có tiềm lực tài chính đều triển khai các dự án, trong đó có 56 dự án với hơn 20 nghìn căn hộ đang triển khai; 55 dự án với 18.000 căn đã hoàn thành. Nguồn cung nhà ở trung và cao cấp vẫn tăng do dự án hoàn thành tăng. So năm 2018, nguồn cung giảm do dự án tạm dừng đình hoãn từ trước, thủ tục pháp lý hoặc thiếu vốn.

Về tiêu thụ sản phẩm, riêng nhà ở thương mại tiêu thụ chỉ đạt 14%, lượng giao dịch thành công giảm mạnh. Giá bán nhà tăng so với năm 2019. Bất động sản công nghiệp tăng 6,2%.

Đáng chú ý, trong quý I/2020, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV/2019 và chỉ bằng 14% của năm 2019.

Tỷ lệ văn phòng cho thuê còn trống trong quý I/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019 (văn phòng hạng A trống 10,8%; hạng B trống 5,6%). Các khu du lịch, nghỉ dưỡng tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.

Khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trước tác dụng của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn như giảm 15% tiền thuê đất do Nhà nước cho thuê đất; giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đất đai, thuế… Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ ban hành trong quý 3 năm nay.

Nghị quyết sẽ đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án phát triển nhà ở có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm dự thảo nghị quyết được nghiên cứu, xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá thấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2 sàn, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2.

“‘Như vậy giá một căn hộ tối đa không vượt quá 1,5 tỉ đồng/căn, đã bao gồm cả thuế VAT” – ông Sinh nhấn mạnh.

Sẽ có nhà ở thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2

Khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp.

Theo ông Sinh, nhóm cơ chế chính sách ưu đãi sẽ tập trung giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp, chẳng hạn giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỉ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỉ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất cho vay.

Các dự án nhà ở thương mại giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 cũng được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, các dự án này còn được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công ty tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, Thủ tướng cũng sẽ ban hành quyết định để cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết giống như đã triển khai chính sách xây dựng nhà ở theo Nghị quyết 18 năm 2009 của Chính phủ về một số cơ chế nhằm thúc đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp.

Theo TTXVN, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CENGROUP cho rằng, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có thị trường bất động sản. Tuy nhiên, có lẽ, điều mà không có một ai hoặc lực lượng nào có thể làm được tốt hơn COVID-19 đó chính là chuyển đổi số. Nhiều buổi mở bán online trong bất động sản đã trở nên quen thuộc và thu được nhiều kết quả vượt trội so với nhiều năm trước. Có tới 50 – 70% ra khách hàng quyết định mua bất động sản thông qua các nền tảng và các ứng dụng công nghệ.

Ông Hưng cũng nhận định, trong ngắn hạn và trung hạn (từ 12-24 tháng), thị trường BĐS Việt Nam sẽ có những thay đổi cục bộ ở một số phân khúc. Tuy nhiên, dịch COVID-19 không hẳn là nguyên nhân duy nhất tác động tới giao dịch BĐS, mà những xu hướng dịch chuyển này đã xuất hiện từ năm 2018, và trở nên rõ nét từ nửa cuối 2019.

Theo tôi, nhà ở đô thị, phân khúc giá rẻ vốn luôn giữ vai trò điều tiết thị trường sẽ chững lại và giảm nhẹ về số lượng giao dịch. Phân khúc trung và trung bình khá được quan tâm hơn. Khách hàng quan tâm nhiều hơn tới tiện nghi và sự an ninh, an toàn, vì vậy, những nhà ở nằm trong khu đô thị với đầy đủ tiện ích và đặc biệt là y tế và trường học sẽ được ưa thích hơn là những dự án nhà ở riêng lẻ, thiếu tiện ích”, ông Hưng phân tích.

Theo ông Hưng, trong ngắn và trung hạn, thị trường BĐS VIệt Nam có thể chững lại về lượng giao dịch nhưng sẽ không có xảy ra hiện tượng giảm giá sâu, thậm chí còn có thể tăng nhẹ.

Rào cản pháp lý

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nhận định, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái “hôn mê” mà khả năng phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và hành động chính sách của Chính phủ. Một số phân khúc cơ bản như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá rẻ, đất nền, chung cư cao cấp, shop house có thể phục hồi sớm ngay sau khi kinh tế phục hồi. Các phân khúc khác như văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng có thể phục hồi chậm hơn.

Các gói kích thích kinh tế hiện tại của Chính phủ đã có tác động tích cực đến thị trường bất động sản nói chung, kể cả các chủ trương về phát triển cơ sở hạ tầng, khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp cũng như việc cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi luật pháp…

Tuy nhiên vẫn cần có giải pháp riêng cho thị trường bất động sản; trong đó cần tháo gỡ trở ngại lớn nhất là pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thủ tục chuyển mục đích sử dụng… Để khắc phục tình trạng bất cập, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hoá thủ tục, có chế tài xử lý minh bạch và thực hiện liên tục trong vài năm – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Minh Tuệ (t/h)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN THÔNG MINH CỦA VIMIDO LAND

Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp chủ đầu tư theo: HOTLINE TƯ VẤN 24/7: 0932.3232.67 hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến các dự án của chúng tôi đầu tư, cũng như là dự án mà chúng tôi phát triển và phân phối!





    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Master Minh