Thủ tướng đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. |
Sau khi xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và ý kiến của các Bộ Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Cuối năm 2017 khi thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong trở thành một trong 3 đặc khu kinh tế tương lai, làn sóng đổ xô đầu tư vào khu vực này bắt đầu gia tăng mạnh mẽ đã khiến giá bất động sản khu vực này tăng chóng mặt.
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), thời điểm đó, mặc dù chưa chính thức trở thành đặc khu, song do sức nóng, đất nền tại các dự án của Vân Đồn dao động từ 20-50 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với trước Tết Nguyên đán năm 2018.
Còn tại Phú Quốc, thị trường bất động sản vẫn diễn biến rất phức tạp. Giá đất tại Phú Quốc liên tục tăng nhanh tới 10-20 lần chỉ trong thời gian ngắn. Có lô đất giá 800 triệu đồng, nhưng chỉ sau 3 năm đã lên tới 18 tỷ đồng.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chỉ ra rằng, tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp. Thậm chí, có tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, có hiện tượng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang) yêu cầu thực hiện việc kiểm tra nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường và có biện pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tại kỳ họp thứ 5, việc Quốc hội chưa thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt khiến giao dịch ở 3 vùng này bị ảnh hưởng tương đối mạnh. Giao dịch tại Vân Đồn và Bắc Vân Phong gần như bị “đóng băng” hoàn toàn.
Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý tạm dừng triển khai lập Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Đặc khu Bắc Vân Phong), nhiều nhà đầu tư bất động sản tại Vân Đồn, Phú Quốc cũng không khỏi lo lắng.
Chia sẻ với Kinh tế & Tiêu dùng về việc bất động sản tại Vân Đồn, Phú Quốc có khả năng tăng giá trong thời gian tới hay không?, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, sẽ có khả năng tăng theo 3 động lực.
Thứ nhất, Nhà nước chủ trương đầu tư làm hạ tầng “khủng” cho khu vực này vượt trội hơn các vùng khác.
Trong kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế, Vân Đồn và Phú Quốc được qui hoạch đầu tư hạ tầng quá khủng. Nếu Chính phủ làm đúng kế hoạch thì giá trị đất đai sẽ tự tăng, nhất là Vân Đồn.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc đầu tư hạ tầng khủng sẽ chưa thể xảy ra. Bởi hiện nay, nguồn tiền của Nhà nước có hạn. “Trong nhiệm kì tới, Chính phủ có thể sẽ ưu tiên làm hạ tầng phục vụ kinh tế trọng điểm, chứ không phục vụ tăng giá đất’, vị này nói.
Thứ hai, chuyển lên Đặc khu với nhiều ưu đãi. Theo TS. Đinh Thế Hiển, “điều này sẽ khó xảy ra”.
Ông Hiển phân tích, trước đây, mô hình Đặc khu, Khu kinh tế mở, Khu chế xuất vốn là điểm nhấn tạo nên thành công của Trung Quốc thập niên 1980. Nhưng cuối cùng nó tạo ra 2 cơ chế kinh tế – quản lí trong một quốc gia đã trở lên lạc hậu.
Thứ ba, người nước ngoài kéo nhau đổ tiền mua đất làm công ty, khu đô thị. Theo vị chuyên gia này, người nước ngoài dám bỏ tiền mua đất giá cao ở các vùng này chỉ có thể là người Trung Quốc. Điều này có thể xảy ra vì người Trung Quốc đã bị hạn chế mua tài sản ở Úc, Newzeland,… Do vậy, rất có thể họ sẽ mua đất ở Phú Quốc và Vân Đồn.
“Hi vọng lớn nhất của những người đang ôm nhiều đất ở Phú Quốc và Vân Đồn là điều này”, TS. Đinh Thế Hiển cho hay.
Minh Tuệ (t/h)