Tăng tốc cho cao tốc Bắc

Làm BOT chưa biết ngày về đích

Bộ GTVT đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Báo cáo này đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và thông qua. Lý do xin đổi từ đầu tư BOT sang đầu tư công là để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, cao tốc Bắc – Nam phía đông chia làm 11 đoạn, có 3 đoạn đầu tư công (đã khởi công), 8 đoạn đầu tư BOT (hiện đã xong sơ tuyển hồ sơ, đang chuẩn bị mở thầu tìm nhà đầu tư). Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, 63.716 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách). Hiện tại, ngân sách đã bố trí 55.000 tỷ đồng, chủ yếu cho giải phóng mặt bằng. Đến hết tháng 4/2020 đã giải ngân được hơn 8.386 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2020 còn khoản 8.208 tỷ đồng.

Riêng với 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT, theo tiến độ của Bộ GTVT, dự kiến cuối tháng 5 này sẽ phát hành hồ sơ đấu thầu, tổ chức đấu thầu và chọn được nhà thầu trong tháng 11 tới. Riêng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển. Với các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển tại 7 dự án còn lại, Bộ GTVT đánh giá, đa số là nhà thầu, có năng lực thi công, nhưng thiếu năng lực tài chính, kho huy động vốn tín dụng. Trong khi nhà đầu tư tài chính mạnh không tham gia. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư BOT trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể khởi công trong năm 2021, vì nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng sẽ phải huỷ hợp đồng và báo cáo Quốc hội. Do đó, việc triển khai 8 dự án BOT khó đạt tiến độ theo Nghị quyết 52 của Quốc hội và chưa thể xác định được khi nào hoàn thành.

Về khả năng tín dụng cho các dự án BOT cao tốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, các dự án BOT này có quy mô lớn và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài. Trong khi đó, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu ngắn hạn, nên khó cân đối. Ngân hàng đang giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Tới nay tổng dư nợ và cam kết tín dụng với dự án BOT, BT giao thông đã đến ngưỡng giới hạn. Đặc biệt, những vướng mắc về thu phí BOT giao thông thời gian qua dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến chưa được xử lý, nên các tổ chức tín dụng rất khó tham gia tài trợ vốn cho dự án cao tốc Bắc – Nam.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dù trong hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư 8 đoạn BOT cao tốc đều có cam kết cung cấp vốn của tổ chức tín dụng, nhưng chỉ về nguyên tắc. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, dẫn tới rủi ro với hệ thống ngân hàng, nợ xấu có thể tăng. Do đó, khả năng cung cấp tín dụng dài hạn cho các dự án cao tốc Bắc – Nam là không khả thi trong giai đoạn này.

Với một số dự án được tính toán là đáp ứng nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính, cũng khó huy động vốn, BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một ví dụ. Một số dự án đã ký hợp đồng BOT nhưng tới nay chưa thể huy động được vốn tín dụng, cụ thể như: Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng (ký năm 2017), Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (ký năm 2018)…

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời cho cao tốc Bắc – Nam sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án; tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là khi ảnh hưởng dịch COVID-19 đang rất rõ ràng.

Tăng tốc cho cao tốc Bắc

Khởi công dự án cao tốc Bắc Nam (đoạn Cam Lộ – La Sơn) Ảnh: Phạm Thanh

Ðấu thầu công khai hay chỉ định thầu?

Đến nay, các nội dung về thiết kế kỹ thuật, dự toán cơ bản đã được hoàn thành, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành đạt hơn 70% công việc. Nếu các dự án (cụ thể là toàn bộ 8 dự án) được Quốc hội đồng ý cho chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công sẽ đủ điều kiện để khởi công ngay từ tháng 8 tới.

Bộ này tính toán, nếu chuyển sang đầu tư công, chi phí đầu tư sẽ tiết kiệm hơn 19.000 tỷ đồng so với tổng vốn đưa ra tại Nghị quyết 52 của Quốc hội, khi tổng mức đầu tư còn khoảng 99.493 tỷ đồng. Giảm vốn nhờ tiết kiệm được phần chi phí lãi vay trong thời gian triển khai dự án. Trong đó, ngân sách đã bố trí 55.000 tỷ đồng, phải bổ sung thêm 44.493 tỷ đồng. Ngoài ra, dù Nhà nước dùng ngân sách để đầu tư, nhưng khi hoàn thành có thể thu hồi vốn qua hình thức thu phí, hoặc nhượng quyền thu phí…

Nếu chuyển sang đầu tư công, các đoạn cao tốc sẽ hoàn thành vào năm 2021-2022; như thế sẽ giải ngân được hơn 99.000 tỷ đồng trong 1-2 năm tới. Trong khi đó, nếu đầu tư BOT, trong năm 2020 sẽ chỉ giải ngân hết 16.594/55.000 tỷ đồng đã bố trí cho dự án để GPMB, số vốn còn lại (hơn 38.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng vốn đầu tư toàn dự án) phải chờ sang năm 2021 mới bắt đầu giải ngân. Điều quan trọng là tiến độ dự án sẽ phụ thuộc vào tiến độ của nhà đầu tư.

Theo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, các thành viên Hội đồng đều đồng ý thông qua và báo cáo Quốc hội về: Điều chỉnh hình thức đầu tư 8 dự án thành phần từ hợp tác công – tư sang đầu tư công; giảm tổng mức đầu tư từ 118.716 tỷ đồng xuống 99.493 tỷ đồng (giảm 19.223 tỷ đồng); đề xuất xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước của toàn bộ 11 dự án thành phần.

Một số thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước cũng đóng góp thêm ý kiến đề nghị làm rõ phương án bổ sung thêm ngân sách nhà nước sau khi chuyển sang đầu tư công (cần thêm hơn 44.900 tỷ đồng). Có ý kiến đề nghị trình cả phương án chuyển toàn bộ 8 đoạn cao tốc PPP sang đầu tư công và phương án chỉ chuyển 3/8 đoạn sang đầu tư công để Quốc hội xem xét…

Đại diện Bộ KH&ĐT cũng đề xuất đẩy nhanh đầu tư công các đoạn tuyến trên cao tốc Bắc – Nam, có thể chỉ định thầu với một số đoạn tuyến, chọn một số doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm để thực hiện. “Để giảm bớt lo ngại về khả năng xảy ra tiêu cực, Bộ GTVT có thể chỉ định doanh nghiệp quân đội, bởi doanh nghiệp quân đội có độ tin cậy cao, tính trách nhiệm của quân đội cao hơn khu vực khác là chắc chắn”, một thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói với PV Tiền Phong.

Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, nếu được phép chuyển sang đầu tư công với dự án cao tốc Bắc – Nam, bộ vẫn bảo lưu quan điểm đấu thầu công khai, minh bạch để chọn nhà thầu, thay vì chỉ định thầu. Các khâu thủ tục này chỉ mất khoảng 3 tháng, đảm bảo tháng 8 có thể khởi công được dự án đầu tiên.

Bộ GTVT cuối cùng xin chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công với 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây.

(Còn nữa)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN THÔNG MINH CỦA VIMIDO LAND

Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp chủ đầu tư theo: HOTLINE TƯ VẤN 24/7: 0932.3232.67 hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến các dự án của chúng tôi đầu tư, cũng như là dự án mà chúng tôi phát triển và phân phối!





    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Master Minh