Mặc dù Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP còn dở dang, nhưng đến thời điểm này vẫn dễ nhận thấy thành phố Thái Nguyên hai bên bờ sông Cầu đang dần hiện hữu.
Nằm ở trung tâm các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có tốc độ đô thị hóa nhanh bởi các khu đô thị, khu dân cư mới, khu thương mại, dịch vụ lần lượt mọc lên. Nhưng qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển dường như thành phố này đang phát triển “lệch”, đô thị hóa chủ yếu phát triển về ba phía: Tây, Nam và Bắc, dòng sông Cầu án ngữ nên phía đông đến nay vẫn là những làng mạc, đồng bãi bạt ngàn…
Thực hiện chủ trương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu, ngày 29/4/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên có Kết luận số 15-KL/TU về chủ trương thực hiện dự án đô thị hai bờ sông Cầu, thành phố Thái Nguyên. Theo đó, sẽ lấy sông Cầu làm trung tâm, tỉnh và thành phố Thái Nguyên nỗ lực phát triển thành phố về hướng mặt trời mọc.
Thành phố Thái Nguyên bên sông Cầu. |
Theo kiến trúc sư Ngô Trung Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đại diện một trong hai đơn vị liên danh tư vấn phương án mở rộng đô thị thành phố đến năm 2035) thì với phương án điều chỉnh mới, thành phố Thái Nguyên sẽ phát triển theo hướng thịnh vượng hơn với cấu trúc đô thị bền vững trên cơ sở không gian xanh. Đến năm 2035, thành phố trở thành một cực phát triển phía Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, một trung tâm giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, một thành phố hấp dẫn, giàu bản sắc và hiện đại.
Đáng tiếc, Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP (trong đó bao gồm 9 dự án BT về đường ven sông, đê hai bên sông, kè hai bên sông, nạo vét lòng sông, xây dựng các cây cầu qua sông, xây dựng các đập dâng giữ nước, mở rộng đập tràn thác Huống. Tổng mức đầu tư 9 dự án khoảng 9.800 tỷ đồng, quỹ đất dự kiến sử dụng dự án BT và dự án thu hồi vốn khoảng 1.500ha) của Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 đã vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, chưa thể hẹn ngày hoàn thành.
Tuy nhiên, sự có mặt của các nhà đầu tư khác như: HUD, Picenza, Danko Group… cùng cây cầu Bến Tượng đã xây dựng xong đã biến vùng đất soi bãi hoang sơ ngày nào với những làng mạc nhỏ nhoi, những cánh đồng lúa, rau xanh ngát trở thành những khu đô thị hiện đại bậc nhất tại thành phố Thái Nguyên. Một thành phố hai bên bờ sông Cầu đang dần hiện hữu.
Theo đó, các khu đô thị HUD, Picenza 1 đã có bản hoàn thiện; nhà đầu tư Picenza tiếp tục triển khai dự án với mong muốn hiện thực hóa “phố châu Âu” bên bờ sông.
Vào cuộc muộn hơn các “đàn anh” Picenza và HUD trong lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Thái Nguyên, Tập đoàn Danko Group lại có một cách tiếp cận hoàn toàn khác khi đưa ra ý tưởng tạo dấu ấn tiên phong mang đến cho chủ nhân những tiện ích sống đẳng cấp, với những thuận lợi cơ bản vốn có của hệ thống hạ tầng hiện tại với trung tâm thành phố Thái Nguyên và các địa phương khác.
Bên cạnh đó, sự tồn tại và phát triển an lành của các khu dân cư cũ, các khu đô thị mới do HUD, Picenza làm chủ đầu tư nhiều năm nay đã xóa đi ấn tượng về một vùng đất “mưa là ngập” bên kia sông Cầu với những nỗi lo bởi nước lũ đổ về đã không còn nhờ cách trị thủy hoàn hảo của cả hệ thống sông này.
Ông Quách Mạnh Lơ – nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Bất động sản, Sở Xây dựng Thái Nguyên chia sẻ: Về tổng thể, các khu đô thị như HUD, Picenza 1 đã cơ bản lấp đầy. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có cơ hội để có thể sở hữu căn hộ như ý bên bờ sông Cầu với các dự án đã và đang hình thành có quỹ đất khá lớn như Danko City hay Picenza 2…
Theo ông Hoàng Đức Khánh – Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên: Đến thời điểm hiện tại, dù mục tiêu của Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu chưa đạt được. Nhưng trên thực tế mục tiêu hoàn thiện hạ tầng đô phía đông sông Cầu với sự góp mặt của các nhà đầu tư bất động sản lớn như: HUD, Picenza, Danko Group… cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, kết nối thành phố Thái Nguyên đã hiện hữu, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư vào dịch vụ du lịch của thành phố Thái Nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển của nhân dân giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Các dự án hoàn thành sẽ tạo cảnh quan đô thị văn minh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Có thể thấy, khát vọng phát triển thành phố Thái Nguyên về phía Đông là rất lớn, nhưng vấn đề đặt ra là nguồn lực để thực hiện lại là thách thức không nhỏ, khi ngân sách địa phương thì không thể đáp ứng. Theo đó, Thái Nguyên đã và đang thực hiện giải pháp được cho là rất hiệu quả khi kết hợp được sự hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư – doanh nghiệp – với người dân.
Theo Nguyễn Thành/Báo Xây dựng