Theo chỉ đạo từ UB, Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án tổ chức giao thông phía quận 7, đảm bảo tối ưu nhất để kết nối cầu Thủ Thiêm 4 với 2 nút giao thông tại vị trí đường Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát và cầu đường Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh.
Phương án đề xuất phải thuận lợi cho các phương tiện lưu thông trên trục đường Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Văn Linh, dễ dàng tiếp cận lối lên và xuống cầu, đặc biệt tại nút giao Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát (phía trước khu chế xuất Tân Thuận) thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và khi công nhân tan tầm.
Đơn vị tư vấn có phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4 được Hội đồng tuyển chọn, cần nghiên cứu hoàn chỉnh thêm phương án ý tưởng “tre Việt Nam”, trong đó thể hiện rõ cấu trúc tre, chi tiết lan can cầu, kiến trúc các nhịp dẫn đặc sắc cũng như các phương án chiếu sáng mỹ thuật.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng được giao nghiên cứu đặt tên cho 4 cây cầu Thủ Thiêm, báo cáo UBND TP trước ngày 10/6.
Cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 và 7 có mức đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng, được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông ở khu Nam và thúc đẩy phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo dự kiến, cầu Thủ Thiêm 4 dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành, tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7, vận tốc thiết kế 60 km/h.
Trước đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế công trình, đặt ra yêu cầu cầu Thủ Thiêm 4 phải có kiến trúc mang tính biểu tượng, độc đáo, tạo điểm nhấn cho quận 2 và 7.
Phương án thiết kế ngoài việc phải có tính hình tượng, thẩm mỹ và tính khả thi cao trong xây dựng, còn phải phù hợp với hình tượng kiến trúc, văn hóa Việt Nam.
P.V (tổng hợp)