Thế nhưng, nếu cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu BĐS du lịch Việt Nam thì tỉ lệ bao nhiêu là hợp lý, và cần lưu ý những điều kiện như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, việc cho phép tỉ lệ bán BĐS du lịch cho người nước ngoài bao nhiêu thì cần phải nghiên cứu, xem xét chi tiết về tình hình thị trường, bản chất của BĐS du lịch, về nhu cầu và điều kiện năng lực của chủ đầu tư, khu vực địa phương, những hệ quả hoặc rủi ro tiềm ẩn cần kiểm soát.
“Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo Luật Nhà ở năm 2014 với tỉ lệ số lượng căn hộ được phép bán cho người nước ngoài ở mức 30%/dự án. BĐS du lịch do bản chất và mô hình khác nên tỉ lệ có thể khác biệt và theo lộ trình riêng”, ông Hoàng cho hay.
Theo vị chuyên gia này, về bản chất, BĐS du lịch khác với BĐS nhà ở từ hình thức pháp lý đến hoạt động thực tế. Do đó, khi xem xét cho người nước ngoài mua BĐS du lịch cũng phải có những quy định pháp lý riêng biệt.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định người nước ngoài (cá nhân) được mua nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 cũng chỉ quy định tổ chức nước ngoài mới được kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Còn đối với BĐS du lịch (loại hình thương mại) thì chưa có quy định cụ thể trong cả 2 luật này.
Thực tế, mặc dù chưa nhiều nhưng đang có xu hướng tăng dần (đa số ở dự án hạng A và hạng sang) người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam theo quy định. Tuy nhiên, khi họ mua với mục đích đầu tư (bán lại) thì chưa có những quy định cụ thể.
Ngoài ra, bản thân BĐS du lịch hiện nay cũng chưa có những quy định pháp lý cụ thể rõ ràng (quy định ràng buộc nghĩa vụ trách nhiệm quyền lợi các bên liên quan, tiến độ ra chủ quyền cho khách mua,…)
Nguồn cung condotel từ 1.1.2017-30.6.2020 là 80084 căn. Nguồn: Hội Môi giới BĐS Việt Nam
Phân bổ theo KV từ 1.1.2017-30.6.2020. Nguồn: Hội môi giới BĐS Việt Nam
Ông Hoàng cho rằng, do Việt Nam chưa có quy định pháp lý cụ thể cho BĐS du lịch, trong thời gian qua đã có nhiều hệ quả và xung đột lợi ích nảy sinh mà chưa có cơ chế giải quyết. Điều này không những gây thiệt hại đến quyền lợi của người mua mà còn gây bất ổn thị trường. Ngay như việc cấp chủ quyền sổ hồng cho người mua cũng đang gặp nhiều khó khăn.
“Chính vì vậy tôi cho rằng, sắp tới khi có những sửa đổi về luật liên quan đến BĐS và du lịch thì cần có sự bổ sung ngay và đồng bộ về pháp lý cho BĐS du lịch để kịp thời quản lý”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn phòng Hội môi giới BĐS Việt Nam – KV Miền Nam cho hay, nên cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua BĐS du lịch như sản phẩm condotel, resort villa… như luật nhà ở, với tỉ lệ khhông quá 30% số căn Coddotel của dự án, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo ông Hùng, pháp lý condotel chưa rõ ràng, cam kết lợi nhuận chưa được CĐT thực hiện đúng, cùng với đó 6 tháng đầu năm Covid-19 “giáng đòn” đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch nói chung, BĐS du lịch nói chung. Khó khăn này có thể kéo dài 2-3 tới nữa. Cho nên, phân khúc này rất Chính phủ và các bộ ngành quan tâm tháo gỡ.
Ông Hùng cho rằng, cho người nước ngoài mua BĐS du lịch Việt Nam, mặt lợi lớn nhất là cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tiếp đến, việc này sẽ làm cho thị trường BĐS du lịch sôi động trở lại, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển đúng như với định hướng đề ra trước đó. Tuy vậy, việc cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua BĐS du lịch cũng có một số điểm tiêu cực cần lưu ý. Lý do, BĐS du lịch của Việt Nam hầu như nằm dọc hành lang bờ biển, nếu cho nguời nuớc ngoài mua phải tránh những khu vực có vị trí địa lý liên quan tới an ninh – quốc phòng hay tài nguyên biển.
“Theo tôi, cho phép người mua BĐS du lịch Việt Nam nhưng phải xác định rõ khu vưc nào được mua hoặc không, giới hạn tỉ lệ % trên tổng dự án”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty VietHome cũng quan điểm, nên cho người nước ngoài mua BĐS du lịch Việt Nam, tuy nhiên cần quy định một cách rõ ràng bằng một điều khoản trong các Luật liên quan như luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS. Trong đó cần quy định rõ ràng về: Đối tượng BĐS được mua – bán; quyền sở hữu tới mức nào; thời gian bao lâu….; Đối tượng người nước ngoài được mua là ai; Các quy định về thủ tục chuyển nhượng,…
Cũng theo ông Đào, 3 yếu tố tích cực cốt lõi nếu cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua BĐS du lịch Việt Nam. Cụ thể, giúp gia tăng thanh khoản cho phân khúc BĐS du lịch; Giúp đất nước có thêm một kênh huy động “vốn sạch”, giúp tăng nguồn thu ngoại tệ; Thúc đẩy tăng trưởng bền vững và mạnh hơn cho ngành du lịch, dịch vụ.
Tuy vậy, ông Đào cho rằng, nếu chính sách không rõ ràng hoặc quản thiếu chặt chẽ có thể xẩy ra những mặt tác động về tài chính, xã hội,…
“Tôi nghĩ, nên đưa chính sách lâu dài, tính toán kỹ cho tương lai cho cả đến lúc Việt Nam chúng ta đã có nền kinh tế phát triển mạnh; sự an toàn về an ninh chính trị. Chính phủ nên mạnh mẽ thay đổi để tăng cơ hội cạnh tranh, thu hút cho ngành du lịch. Nên đặt chính sách cho chiến lược ngành du lịch bền vững”, ông Đào ý kiến.