Nhà đầu tư nào sẽ được chỉ định thầu tại dự án địa ốc 3.300 tỷ đồng ở Thanh Hóa?
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án khu dân cư phía tây nam đường vành đai Đông Tây thuộc quy hoạch phân khu Đông Ga đường sắt cao tốc Bắc Nam, TP Thanh Hóa.
Dự án này được xây dựng tại xã Đông Tân, TP. Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 3.260 tỷ đồng và được thực hiện trên diện tích 49ha (trong đó diện tích đất ở chia lô liền kề là 7,4ha, diện tích đất nhà ở biệt thự là 4,7ha, diện tích đất nhà ở xã hội là 2,3ha). Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định thầu. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý III/2020.
Vào cuối tháng 7/2020, Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa (bên mời thầu) đã công bố nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự tuyển và trúng sơ tuyển dự án này là liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, Công ty CP Đầu tư phát triển Gama, Công ty CP dịch vụ Thanh Hóa. Được biết, cả 3 công ty này đều có địa chỉ ở TP. Thanh Hóa.
Trước đó, ngày 1/4/2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án trên. Dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Tuy nhiên, đến ngày 21/11/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 15957/UBND-KTTC về việc hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư dự án này. Việc hủy sơ tuyển và tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư thực hiện Dự án dựa trên đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa tại Văn bản ngày 15/11/2019.
Lý do phải hủy là do hồ sơ mời sơ tuyển được duyệt không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa tổ chức lập lại hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nêu trên theo đúng quy định hiện hành của pháp luật, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Khủng hoảng kép thổi bay 7,7 tỷ USD của các đại gia địa ốc Hong Kong
Theo Bloomberg, hãng bất động sản Wharf của tỷ phú Peter Woo cho biết nguồn thu từ cho thuê mặt bằng bán lẻ ở Hong Kong lao dốc gần 33% trong 6 tháng đầu năm, gây thiệt hại 955 triệu USD. Trong khi đó, CK Asset Holdings của tỷ phú Lý Gia Thành chứng kiến doanh thu bán bất động sản sụt giảm hơn 60%.
Sun Hung Kai Properties của gia tộc Kwok phải giảm giá cho thuê mặt bằng. Hongkong Land cho biết tỷ lệ trống tại các mặt bằng ở quận Trung Hoàn tăng lên 5% vào cuối tháng 6 từ mức 2,9% hồi tháng 12/2019.
Dịch Covid-19 và việc luật an ninh đe dọa vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong là cơn bão kép quật thẳng vào hoạt động kinh doanh của các đại gia bất động sản thành phố. Hơn nữa, chính quyền Hong Kong đã yêu cầu chủ mặt bằng phải giảm giá cho thuê để doanh nghiệp có thể sống sót qua khủng hoảng.
Theo thống kê của Bloomberg, tổng tài sản của 7 nhà tài phiệt bất động sản hàng đầu Hong Kong giảm 7,7 tỷ USD từ đầu năm đến nay, xuống còn 107 tỷ USD. Một chỉ số đánh giá sức khỏe tài chính của các công ty bất động sản Hong Kong lao dốc tới 21%.
Giao dịch bất động sản tăng 30-40% so với quý 1/2020
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 2/2020, tổng hợp từ 54/63 UBND địa phương có báo cáo số liệu, trong quý 2/2020 có 29.674 giao dịch bất động sản thành công.
Riêng tại Hà Nội và TPHCM, trong quý 2/2020, tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (bằng 116% quý 1/2020), tại TPHM có 3.958 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý 1/2020).
Qua tổng hợp cho thấy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý 2/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý 1/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm tháng 7/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước.
Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội, hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30-40%.
P.V (tổng hợp)