Phê duyệt đầu tư dự án 160 ha tại Sóc Trăng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 828/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề.
Theo quyết định nêu trên, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trần Đề có quy mô 160 ha tại ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng do CTCP Bê tông Hà Thanh là nhà đầu tư.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.230,26 tỷ đồng trong đó, có 246,05 tỷ đồng là vốn góp của nhà đầu tư và vốn vay thương mại là 984,21 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao tiến độ dự án được thực hiện không quá 3 năm, kể từ ngày được giao đất. Thời hạn thực hiện dự án là 49 năm, kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư (ngày 12/06/2020).
HoREA kiến nghị áp trần giá bán nhà ở thương mại giá thấp
Trong văn bản mới nhất gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể:
Theo khoản (1.a) Điều 110, Luật Đất đai quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất trong một số trường hợp, nhưng lại “trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại”. Trong khi trên thực tế, phân khúc dự án nhà ở thương mại có rất nhiều cấp độ: Nhà ở thương mại cao cấp, hạng sang, siêu sang; Nhà ở thương mại trung-cao cấp; Nhà ở thương mại trung cấp; Nhà ở thương mại giá thấp lẽ ra cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển.
Điều 16, Luật Đầu tư cũng chưa có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án nhà ở thương mại giá thấp và kể cả dự án nhà ở xã hội.
Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa có chính sách miễn thuế đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp (kể cả chưa có ưu đãi thuế đối với dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê).
HoREA cũng chỉ rõ, trong các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, bao gồm chương trình cho vay 5 nhóm, lĩnh vực ưu tiên, chưa có chương trình tín dụng cho nhà ở thương mại giá thấp.
Ngoài ra, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 2 đô thị đặc biệt và 22 đô thị loại 1, nên cần có cơ chế chính sách đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thực tiễn của các nhóm đô thị.
Trước các tồn tại trên, HoREA kiến nghị:
Về giá bán: Thống nhất mức giá trần không vượt quá 20 triệu đồng/m2. Riêng, đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, mức giá trần có thể trên 20 triệu đồng/m2, nhưng không vượt quá 25 triệu đồng/m2.
Về tiền sử dụng đất: Theo HoREA, dự án nhà ở thương mại giá thấp, có thể coi là trường hợp đặc biệt, nên có thể quy định giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án (Trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất, thì được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất); Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được giao thuê đất.
Về ưu đãi thuế: Theo HoREA nên thí điểm chính sách ưu đãi thuế theo hướng: giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (với dự án nhà ở thương mại giá thấp); giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (với dự án nhà ở xã hội có 100% căn hộ dùng để cho thuê).
Hải Dương xin chuyển khu công nghiệp thành đô thị công nghiệp
Trước đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến 3 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường về đề xuất chuyển đổi Khu công nghiệp Đại An thành khu công nghiệp đô thị dịch vụ và sẽ được mở rộng thêm hàng trăm héc-ta.
Theo quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Đại An mở rộng được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, Khu công nghiệp Đại An mở rộng có diện tích 416,2 ha, trong đó giai đoạn 1 là 189 ha, giai đoạn 2 là gần 227,2ha.
Theo tỉnh Hải Dương, do nhu cầu đầu tư vào Khu công nghiệp Đại An rất lớn nên việc đầu tư khu đô thị dịch vụ là cần thiết và có thể giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động. Ngoài ra, sẽ tạo công ăn việc là cho khoảng 40.000 người làm dịch vụ ăn theo khi khu công nghiệp Đại An mở rộng được lấp đầy.
Tái diễn tình trạng xây dựng trái phép ở hồ Suối Đá, Bà Rịa-Vũng Tàu
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhiều lần đề nghị thị xã Phú Mỹ xử lý vi phạm hành chính Công ty Marina – Châu Pha về hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép hành lang an toàn hồ, đập, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm, doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện các hoạt động xây dựng trong phạm vi lòng hồ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua đợt kiểm tra vào cuối tháng 4 vừa qua đã phát hiện tại khu vực hồ Suối Đá (thuộc địa bàn xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ) khu vực thượng lưu bị lấn chiếm để trồng cây, phía hạ lưu thì bị san lâp, xây dựng các chòi lá. Vị trí cống lấy nước bị lấn chiếm xây dựng công trình có kết cấu cột sắt, bên phải cống lấy nước bị lấn chiếm xây dựng hàng rào bê tông và rào lưới sắt…
Tại vị trí tràn xả lũ cũng bị lấn chiếm để xây cầu dẫn, lấn chiếm kênh dẫn để xây hồ bơi. Trong lòng hồ có một gò nổi nhân tạo, một số trang thiết bị máy đào, xe tải vận chuyển đang san gạt mặt bằng…
Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ cho biết: Hồ Suối Đá được UBND thị xã Phú Mỹ giao cho xã quản lý, hiện nay chính quyền ký hợp đồng với công an xã về việc giao mặt nước để nuôi cá nhằm mục đích tăng gia. Tuy nhiên, việc Công ty Mariana – Châu Pha tổ chức xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ hồ, ông Lâm không nắm được bởi mới chuyển về đây công tác.
“Vì mới phụ trách lĩnh vực này và tôi cũng là người mới được trên điều động về xã Châu Pha công tác, chứ không phải làm từ xưa đến giờ. Trong thẩm quyền trách nhiệm của xã đến đâu thì cung cấp hồ sơ đến đó, vì trước đây không nắm được vấn đề này. Do đó những hồ sơ pháp lý liên quan sẽ có địa chính, địa phương liên quan sẽ cung cấp đầy đủ thông tin”.
Theo ông Trần Văn Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì vị trí hồ Suối Đá có doanh nghiệp Marina – Châu Pha đang hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên đến thời điểm này doanh nghiệp chưa được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp phép hoạt động du lịch tại khu vực hồ Suối Đá.
“Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa được cấp phép, do đó các hoạt động của các đơn vị này tại hồ Suối Đá là trái phép. Còn việc làm gò nổi thì phải thông qua cơ quan thẩm định và cấp thẩm quyền cho phép. Thứ hai là cũng phải được đơn vị quản lý trực tiếp hồ đồng ý thì mới được làm các thủ tục”, ông Trần Văn Hiếu cho biết.
P.V (tổng hợp)