307 căn hộ nhà ở xã hội để bán và cho thuê tại quận Nam Từ Liêm
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội (giai đoạn 1) tại dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Theo đó, có 307 căn hộ nhà ở xã hội với diện tích 50- 68m2, trong đó có 245 căn để bán và 62 căn để cho thuê đợt này.
Các căn hộ này thuộc dự án Khu nhà ở xã hội tại lô đất HH-01 (Khu chức năng đô thị Đại Mỗ) do Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska làm chủ đầu tư. Lô đất HH-01 được xây dựng chung cư cao 29 tầng: Tầng 1 bố trí sảnh chung cư, bảo vệ, dịch vụ, nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng; Tầng 2,3,4 bố trí không gian đỗ xe, kỹ thuật; Tầng 5 đến 28 bố trí các căn hộ (384 căn); Tầng 29 là tầng kỹ thuật mái bố trí phòng kỹ thuật, phụ trợ, tum thang.
Hồ sơ đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Thông tư 20/2016/TT-BXD ngày 30-6-2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ; Quyết định 25/2019/QĐ-UBND ngày 5-11-2019 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Giá bán nhà ở xã hội tại dự án khoảng 17,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và kinh phí bảo trì). Hồ sơ đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội nộp tại Văn phòng tư vấn tiếp nhận hồ sơ- Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska tại địa chỉ: Dự án khu chức năng đô thị Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ nay đến ngày 2-5-2020. Thời gian dự kiến ký hợp đồng mua căn hộ vào tháng 5-2020 và dự kiến bàn giao căn hộ trong quý I-2022.
Công trình 3 lần bị đình chỉ vẫn mọc lên trên đất lâm nghiệp
Gần hai tháng qua, tại xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) xảy ra việc một cánh rừng keo, tràm tại khu vực Trại Tiểu bị san phẳng xây nhà ở, ao hồ, bến thuyền… như một khu du lịch sinh thái.
Theo ông Trần Đình Mọn, Phó Chủ tịch xã, quá trình sử dụng đất rừng, chủ hộ có đề nghị cho xây dựng nhà tạm để quản lý rừng, phía địa phương cũng đã đồng tình tạo điều kiện.
Cụ thể ngày 18/2/2020, ông Trần Huy Giáp (quê xã Mỹ Lộc, nay trú tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) làm Giấy xin phép gửi UBND xã đề nghị cho xây dựng nhà tạm trên 2 thửa đất lâm nghiệp của gia đình diện tích hơn 12ha ở khu vực Cửa Thờ – Trại Tiểu.
Ngày 26/2/2020, ông Mọn đã ký, thống nhất cho phép xây dựng một ngôi nhà tạm, đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan, không phá vỡ quy hoạch.
Tuy nhiên, ngày 7/4, ông Trần Đình Việt, Trưởng phòng TN&MT huyện cùng đoàn đi kiểm tra phát hiện khu đất đã xây dựng một số công trình như: Nhà tạm lợp tôn, để vật liệu xây dựng; nhà cấp 4 tường cao 2,5m diện tích 160m2; 2 bồn hoa và 2 chòi bóng mát lợp bằng tranh tro gần bờ hồ; san gạt một số diện tích bên chân đồi, đào bờ hào quanh đất lâm nghiệp.
Theo ông Việt, việc xây dựng, san gạt nói trên cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh hiện trạng để báo cáo huyện xử lý. Nếu làm khu du lịch sinh thái là sai vì trên diện tích đất rừng của ông Giáp chưa được cơ quan chuyên môn nào phê duyệt, cấp phép. Hiện công trình đang được ngành chức năng tạm đình chỉ thi công.
Ông Phạm Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết đã chỉ đạo Trạm kiểm lâm Truông Kén phối hợp UBND xã Mỹ Lộc đi kiểm tra và đã 2 lần lập biên bản, tạm đình chỉ thi công với ông Giáp vào ngày 3/3 và 24/3/2020.
Hạt Kiểm lâm đã lập biên bản với nội dung: Quá trình kiểm tra tại lô 55, khoảnh 3a, tiểu khu 132C chủ rừng là ông Giáp đã tự ý đưa máy vào san lấp mặt bằng làm bến thuyền, bãi đỗ xe diện tích 300m², làm nhà trại trên đất lâm nghiệp. Tại thời điểm kiểm tra, ông Giáp chưa xuất trình được giấy tờ gì, chưa được cấp phép xây dựng khu du lịch sinh thái, chưa có quyết định chuyển đổi sử dụng mục đích rừng.
“Việc đưa máy vào và thuê công nhân làm bến thuyền, bãi đỗ xe, xây nhà trên đất lâm nghiệp, tự ý làm chưa được cấp phép, chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật”, ông Sơn nói.
Bí thư TP.HCM: Đầu tháng 5 phải giao đất cho dân khu 4,3ha Thủ Thiêm
Tại buổi bế mạc Hội nghị lần thứ 40 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM chiều 16/4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã có chỉ đạo liên quan đến Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm.
Theo đó, ông Nhân cho rằng TP đã có đủ các điều kiện để giải quyết việc giao đất cho người dân khu 4,3ha ngoài ranh Thủ Thiêm, nhưng đã làm quá chậm.
“Tôi đề nghị các cấp cần làm hết chức năng, nhiệm vụ để trước 30/4 hoặc chậm nhất đầu tháng 5 có động thái giao những lô đất, căn nhà cho người dân tại đây. Chúng ta đã có đủ điều kiện để làm mà hiện tại còn triển khai rất chậm”, Bí thư Nhân nhấn mạnh.
Theo kết luận số 1483 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, khu đất 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm và việc TP.HCM thu hồi nhà đất của người dân để thực hiện dự án là sai.
UBND TP đã tiến hành sửa sai bằng phương án hoán đổi đất, căn hộ và được 331 hộ dân trong khu 4,3 ha đồng thuận. Các khu đất hoán đổi cho người dân thuộc các khu 1,8 ha (phường Bình Khánh), khu 30 ha ở Nam Rạch Chiếc, khu 50 ha (phường Cát Lái), khu 174 ha và 143 ha (phường Thạnh Mỹ Lợi) cùng các khu chung cư tái định cư.
Long An giải thích lý do dự án khu tái định cư Hải Sơn triển khai chậm
Dự án Khu dân cư – tái định cư Hải Sơn có diện tích 13,4ha tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, do Công ty TNHH Hải Sơn (Công ty Hải Sơn) làm chủ đầu tư, triển khai rất chậm theo quy hoạch được duyệt, gần 10 năm qua chưa xong, gây bức xúc dư luận
Cụ thể, trong văn bản trả lời báo chí số 1983 ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh Long An gửi đến VOV, đại diện UBND tỉnh Long An cho biết, dự án Khu dân cư – tái định cư Hải Sơn diện tích 13,4ha tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc do Công ty Hải Sơn làm chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai. Công ty Hải Sơn đã được UBND tỉnh giao đất với tổng diện tích hơn 12,56ha.
Tại diện tích đất được giao, chủ đầu tư thi công hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh ở vị trí đã hoàn thành thủ tục đất đai, như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện,… Ngoài ra, đơn vị này đã tổ chức bàn giao 273 nền tái định cư, cấp 257 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Hiện nay, có khoảng gần 140 nền đã có xây dựng nhà ở.
Tuy nhiên, việc Công ty Hải Sơn chậm đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật dự án theo quy hoạch được duyệt là do đơn vị này chưa hoàn thành bồi thường bàn giao mặt bằng (2 hộ dân với diện tích hơn 8.600m2), gây chia cắt các khu đất, tạo khu đất có mặt bằng dạng “da beo”. UBND tỉnh Long An chỉ đạo UBND huyện Cần Giuộc tiếp tục vận động người bị thu hồi đất bàn giao mặt bằng cho Công ty Hải Sơn để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu dân cư – tái định cư theo quy hoạch được duyệt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND huyện Cần Giuộc tăng cường kiểm tra, đôn đốc Công ty Hải Sơn sớm hoàn thành đưa dự án vào hoạt động để người dân được tái định cư ổn định cuộc sống. Trường hợp Công ty Hải Sơn vi phạm tiến độ đầu tư, UBND tỉnh kiên quyết xử lý theo quy định.
P.V (tổng hợp)