Quý I, thị trường văn phòng Hà Nội ‘miễn nhiễm’ với Covid-19
Quý I/20202, tổng nguồn cung thị trường văn phòng Hà Nội đạt khoảng 1,8 triệu m², giảm 1% theo quý do hai dự án hạng A tại khu vực trung tâm là International Centre và Vietcombank Tower ngừng cho thuê để cải tạo và sử dụng nội bộ. Hạng B tiếp tục chiếm lĩnh với 47%, theo sau là hạng C với 28%. Hầu hết các dự án nằm tại khu vực phía Tây.
Theo Savills, thị trường văn phòng quý I/2020 vẫn chưa ghi nhận tác động tiêu cực đáng kể của Covid-19 và vẫn duy trì hoạt động ổn định.
Hầu hết các hợp đồng thuê có thời hạn 3 – 5 năm và do đó hoạt động vẫn được thông suốt. Giá thuê gộp trung bình giảm nhẹ -1% theo quý nhưng tăng 1% theo năm.
Công suất thuê không thay đổi theo quý và tăng 1 điểm % theo năm; hạng A có sự tăng trưởng mạnh nhất.
Dù ghi nhận Covid-19 đã khiến các hợp đồng thuê văn phòng bị ảnh hưởng (do các công ty cho làm việc ở nhà), số khách thuê giảm, tỷ lệ trống tăng lên trong ngắn hạn nhưng Savills cho rằng những cú sốc ngoại cảnh không tác động ngay đến việc hợp đồng thuê (bị huỷ hay giá thuê giảm), trừ khi hợp đồng thực sự hết hạn.
Dĩ nhiên, về trung – dài hạn, cuộc khủng hoảng có thể mang đến trải nghiệm làm việc từ nhà toàn diện nhất trong lịch sử và sự bùng nổ sắp tới của công nghệ sẽ thúc đẩy hình thức này phát triển. Nhu cầu văn phòng ở khu vực trung tâm có thể vì thế sẽ giảm khi người lao động luân phiên làm việc tại văn phòng hoặc từ nhà.
Savills lưu ý đến loại hình văn phòng chia sẻ (co-working space), cho rằng đối tượng chịu tác động mạnh hơn cả của Covid-19 do thời hạn thuê ngắn và tính linh hoạt của hợp đồng. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng trong dài hạn, sự ưa chuộng đối với văn phòng chia sẻ sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này.
Đồng Nai: Đất ở đô thị tăng 2.000 ha so với năm 2014
Ngày 23/4, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã làm việc với Ban chỉ đạo kiểm kê đất đai tỉnh về kết quả thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỉnh Đồng Nai năm 2019.
Đến nay, Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành kiểm kê đất đai ở ba cấp xã, huyện, tỉnh.
Theo kết quả kiểm kê, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 586.362 ha, giảm hơn 3,4 ngàn ha so với kiểm kê năm 2014. Nguyên nhân biến động chủ yếu là do thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính giữa Đồng Nai và TP.HCM theo Nghị quyết 114/NQ-CP. Cụ thể là điều chỉnh khu vực Cù lao Gò Gia ở huyện Nhơn Trạch về cho TP.HCM và tính lại diện tích theo diện tích giải tích (tính theo khoanh bao các loại đất) theo quy định của Bộ TN&MT.
Các loại đất trồng lúa, cây lâu năm, rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đặc dụng, đất ở, chuyên dùng, quốc phòng… có nhiều biến động do việc kiểm kê lại đất đai có những thay đổi theo quy định của trung ương. Trong đó đất trồng lúa giảm, đất trồng cây lâu năm tăng cao, đất rừng sản xuất, phòng hộ, giảm. Tuy nhiên, đất ở đô thị tăng hơn 2.000 ha so với kiểm kê năm 2014 vì thời gian qua nhiều xã trên địa bàn tỉnh chuyển thành phường.
Đồng Nai: Tạm đình chỉ công tác một Chủ tịch phường vì để xảy ra xây dựng trái phép
Ngày 23/4, UBND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Hóa An.
Theo UBND thành phố Biên Hoà, ông Minh bị tạm đình chỉ công tác để các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép tại địa phương.
Bước đầu, cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian ông Minh làm Chủ tịch UBND phường Hóa An, nhiều công trình xây dựng trái phép đã xảy ra trên khu vực đất nông nghiệp tại KP. Bình Hóa.
Phường Hóa An (trước đây là xã Hóa An) là địa phương để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tràn lan từ nhiều năm qua. Vào năm 2017, người tiền nhiệm của ông Minh là ông Trần Văn Ngọc- Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Hóa An đã bị TAND TP Biên Hòa xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng vì những sai phạm nêu trên.
Kiểm điểm chủ tịch xã tự ý cấp phép cho DN ‘đổi cát lấy công trình’
Ngày 23/4, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản giao UBND huyện Phù Mỹ khẩn trương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài và các cá nhân có liên quan về việc không tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát tại thôn Kiên Phú, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 20/5.
Thời gian gần đây, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ trên sông La Tinh đoạn qua thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) hoạt động khai thác cát này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, xã tự cấp phép cho doanh nghiệp lấy cát.
Theo ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài, doanh nghiệp tư nhân vận tải Tân Tiến (trụ sở ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) là đơn vị đang khai thác cát tại sông La Tinh đoạn qua thôn Kiên Phú.
Ông Long đưa ra lý do, vừa qua, người dân xóm 1, thôn Kiên Phú đề đạt nguyện vọng với xã là xây dựng 2 tuyến đường bê tông nông thôn qua xóm, tổng chiều dài hơn 560m, chiều rộng mỗi tuyến đường là 3m.
Để đáp ứng yêu cầu này, xã tiến hành họp dân xóm 1 và thống nhất là sẽ lấy cát từ sông La Tinh để làm vật liệu xây dựng, kết hợp với nguồn xi măng do tỉnh hỗ trợ. Xã “linh động” cho doanh nghiệp lấy cát, chứ không có ai cấp phép cả.
P.V (tổng hợp)