Thông tin TP. Bảo Lộc sẽ quy hoạch mở rộng ra các vùng phụ cận, trong đó có xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm để đẩy mạnh phát triển toàn diện, hoàn thiện mục tiêu trở thành đô thị loại II và hướng đến tầm nhìn trở thành đô thị loại I đã hu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản đến với thị trường này.
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp địa ốc lớn ở TP.HCM và Hà Nội tiếp xúc làm việc với tỉnh Lâm Đồng nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đẩy mạnh phát tiển các dự án bất động sản tại đây. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp đã đi trước, đón đầu âm thầm thu gom quỹ đất lớn để triển khai các dự án bất động sản quy mô lớn.
Mới đây nhất, Tập đoàn Novaland đã có buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về việc tìm hiểu và dự định đầu tư các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.
Trước đó, TP Bảo Lộc đã có buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Him Lam về các vấn đề liên quan đến thu hút và xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.
Đại diện Him Lam cho biết đang nghiên cứu xúc tiến đầu tư vào các dự án khu dân cư phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và Dự án khu đô thị du lịch “Thiên đường mắc ca” thuộc các phường B’Lao, Lộc Sơn, Lộc Nga và xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm).
Tập đoàn Ecopark cũng đang tìm hiểu đầu tư các dự án trọng điểm tại TP Bảo Lộc.
Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest dù đến đây muộn nhưng là nhà đầu tư có tham vọng lớn khi “ngắm” đến hàng loạt dự án như Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2; nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát; quy hoạch xây dựng Khu phố Shop House đi bộ dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc…
Tập đoàn Ecopark cũng đang tìm hiểu đầu tư 2 dự án là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.
Theo lãnh đạo TP, hiện Bảo Lộc đang có 48 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư để xây dựng thành phố sinh thái và dịch vụ, nghỉ dưỡng như: Dự án sân bay Lộc Phát với quy mô 50- 100ha, hình thành sân bay cấp 3C; Dự án Tổ hợp khu thương mại – khách sạn 5 sao (tại chợ cũ Bảo Lộc); Sân golf Lộc Phát – Lộc Thắng; Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung, quy mô hơn 2.500ha và Dự án Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2 (quy mô khoảng 390ha, tại Phường 1 và phường Lộc Phát).
Với vị trí địa lý thuận lợi với khí hậu mát mẻ, Bảo Lộc đang là mảnh đất thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản. |
Mảnh đất đầy tiềm năng
Không phải ngẫu nhiên các nhà đầu tư lớn đổ xô về đây tìm cơ hội. Theo các nhà đầu tư, trong các tỉnh Tây Nguyên thì Lâm Đồng không chỉ có ưu thế du lịch lớn đã phát triển lâu nay nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm mà còn có tiềm năng kinh tế tổng hợp nhờ vị trí địa lý tiếp giáp và nhiều hướng thông thương với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Nếu như trước đây, giới đầu tư thường đổ xô về mua đất ở Đà Lạt thì nay Bảo Lộc được coi là một điểm đến đầy hấp dẫn.
Cùng với quá trình đô thị hóa, giá đất tại Đà Lạt luôn ở mức cao, dao động từ 50-100 triệu/m2, thậm chí có những khu vực trung tâm đã chạm “đỉnh” lên đến 200 triệu/m2. Với mức giá không ngừng tăng cao cùng sự ổn định trong quy hoạch hạ tầng khiến việc đầu tư vào Đà Lạt ít mang lại cơ hội sinh lời cao như các thị trường khác.
Trong tình thế này, các nhà đầu tư đã tìm đến một thị trường mới, có điều kiện tương tự Đà Lạt nhưng dư địa tăng giá còn lớn là TP. Bảo Lộc – đang được mệnh danh là một Đà Lạt thứ hai với nhiều tiềm năng phát triển.
Theo Nhịp sống kinh tế, giá đất tại các vị trí trung tâm của Đà Lạt vẫn còn khá thấp, chỉ bằng 50-70% so với TP.Đà Lạt. Với những dự án có quy hoạch bài bản, tọa lạc tại vị trí đắc địa và pháp lý hoàn chỉnh, mức giá chỉ dao động từ 9-18 triệu/m2.
Điều này đã thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân lẫn các doanh nghiệp BĐS đang đổ về thị trường nơi đây để gom đất hoặc phát triển các dự án sinh thái, đón đầu cơ hội sinh lời của thị trường nơi đây.
Nếu những năm trước giá BĐS tại Lâm Đồng chỉ dao động từ 6-7 triệu đồng/m2 thì mức giá hiện tại cũng đã gấp đôi do hưởng lợi từ điều kiện hạ tầng giao thông kết nối, từ hoạt động săn đất của các ông lớn BĐS đang ngày càng thể hiện rõ nét.
“Đặc sản” khí hậu
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, vùng đất mới đang phát triển như Bảo Lộc có tiềm năng để phát triển thị trường bất động sản, trong đó lợi thế lớn nhất của Bảo Lộc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là “đặc sản” về khí hậu phù hợp để phát triển mô hình bất động sản nghỉ dưỡng và giá đất còn khá “mềm” so với nhiều khu vực khác.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ngọc Châu Á, bên cạnh lợi thế về “đặc sản” khí hậu, yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển của thị trường bất động sản Bảo Lộc gần đây còn có một số yếu tố quan trọng khác, đó là địa thế của Bảo Lộc khá gần với TP.HCM, có hệ thống kết nối hạ tầng khá thuận lợi.
Bảo Lộc có 2 trục quốc lộ chạy qua là 20 và 55, kết nối với TP.HCM và Phan Thiết với thời gian di chuyển lần lượt hơn 3 giờ và hơn 2 giờ. Trong 3 năm qua, thành phố cũng đã hoàn thiện 15 tuyến đường nội thị với chiều dài 32,7 km, nâng mật độ đường chính đô thị lên 9,8 km/km2 và đạt tiêu chuẩn của đô thị loại II.
“Từ TP.HCM đến Bảo Lộc hiện nay chỉ mất khoảng 4 giờ đi xe ô tô, trong tương lai, nếu tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương hoàn thành, thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ đồng hồ”, ông Hạnh nói và phân tích thêm, ngoài những lợi thế kể trên, Bảo Lộc có lợi thế lớn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư hiện nay nữa là giá bất động sản còn khá “mềm”, nhà đầu tư chỉ cần có 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đã có thể sở hữu được một ngôi nhà thứ 2 tại đây.
Bên cạnh đó, Bảo Lộc cũng có kế hoạch sáp nhập để mở rộng diện tích về phía huyện Bảo Lâm, trong đó có xã Lộc Tân. Một nhà đầu tư chuyên phát triển các dự án nhà vườn tại Lâm Đồng cho biết: “Đất ở các xã ven thành phố thường rẻ hơn vùng trung tâm và sẽ tăng giá nhanh nhờ ăn theo tiến độ phát triển hạ tầng của thành phố nên được nhiều người săn tìm. Nhất là khi nó sáp nhập vào thành phố thì lợi nhuận còn cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn như vừa có thông tin xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm sẽ sáp nhập vào Bảo Lộc là đất đai ở vùng này sốt ngay”.
Nhật Hạ (t/h)