Nói về giá bất động sản sau dịch, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, giá bất động sản không giảm, thậm chí còn tăng vì chi phí của doanh nghiệp tăng, dự án đội vốn do “nằm chờ” thủ tục quá lâu.
Số lượng dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn hình thành trong tương lai sụt giảm, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tại một hội thảo về thị trường bất động sản hậu Covid-19 mới đây.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Sở Xây dựng TP.HCM mới xác nhận đủ điều kiện cho 12 dự án thuộc diện nói trên, giảm 25% so cùng kỳ; với tổng số 3.826 căn, giảm 19% so vùng kỳ; tổng giá trị vốn 11.700 tỉ đồng. Theo ông Kiên, sự sụt giảm này đã kéo dài suốt thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 còn sụt giảm nghiêm trọng hơn.
Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam, hàng loạt dự án đều có vướng mắc, khó khăn, đó là lý do khiến giá bất động sản không giảm. Riêng TP. HCM, mới đây đầu tàu kinh tế phía Nam đã trình Chính phủ 63 dự án cần tháo gỡ khó khăn.
“Các nhà đầu tư không tìm kiếm siêu lợi nhuận mà là lợi nhuận hợp lý, chia sẻ lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp hiện nay có những chính sách khắt khe như không bán cho mỗi người quá một sản phẩm. Nên nếu người dân có thể mua bất động sản từ chính doanh nghiệp mà không qua môi giới thì sẽ có lợi hơn”.
Tuy nhiên, “nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì sản phẩm bất động sản dự kiến bán 25-30 triệu đồng/m2 sẽ phải bán lên 35 triệu đồng/m2. Hay nếu doanh nghiệp dự kiến giá 1.000 USD/m2 thì sau khi chạy lòng vòng các nơi phải đưa giá lên 1.500 USD/m2 mới có lời”, ông Khương cho biết.
Trong khi đó, nhận định về thị trường bất động sản sau đại dịch, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, trong tháng 5/2020 thị trường BĐS đang bật dậy, tỉ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên, khoảng gần 6 lần, tỉ lệ tiêu thụ cũng tăng lên 15% so với tháng 4/2020.
Dù mới được tháo gỡ về giãn cách ly xã hội mà thị trường BĐS đã quay trở lại tốt như vậy thì nếu được tháo gỡ về chính sách, thủ tục còn sẽ bật dậy mạnh mẽ hơn.
Theo ông Châu, hiện các NĐT đang quay trở lại để đón dòng vốn từ nước ngoài về. Mặc dù dòng vốn này ở thời điểm này còn hạn chế. Vị chuyên gia này chỉ ra những nền tảng tốt để thị trường BĐS TP.HCM kì vọng sức đua trở lại trong thời gian tới. Trong đó hàng loạt dự án hạ tầng đã và đang được triển khai trong năm nay là điểm nhấn rõ nét nhất.
Cụ thể, triển khai đường vành đai 3, khép kín vành đai 2, đề xuất làm tuyến đường sắt chuyên chở hàng hóa từ ga Sóng Thần đến cảng Cái Mép, nối từ cảng Cát Lái qua KCN Tân Thuận… Hay, làm tuyến đường cao tốc từ ngã ba Biên Hòa (Đồng Nai) đi cảng Cái Mép; cao tốc từ ngã tư Dầu Giây đi Phan Thiết, lên sân bay Liên Khương (Lâm Đồng); rồi cầu Cát Lái từ Q.2 qua Nhơn Trạch, và dự kiến sẽ đầu tư một cây cầu từ Q.9 qua Nhơn Trạch…
Theo Chủ tịch HoREA đó là những yếu tố sẽ tác động rõ nét đến thị trường BĐS. Dù trải qua những khó khăn về nguồn cung, dịch bệnh, vị chuyên gia này khẳng định vẫn có niềm tin rất lớn rằng BĐS sẽ phục hồi trở lại nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu nhà ở còn rất lớn trên thị trường.
Về câu chuyện giá BĐS, liệu có sự kì vọng có đợt giảm giá BĐS sau thời điểm này, ông Châu BĐS khẳng định, không có chuyện giảm giá BĐS. Có chăng, giá BĐS chỉ giảm nhẹ trên thị trường thứ cấp do một số NĐT không chịu nỗi áp lực về dòng tiền. Còn riêng thị trường sơ cấp không giảm. Nếu NĐT nào mua được giá gốc mà doanh nghiệp bán ra vẫn hưởng mức lợi khá tốt.
“Hiện nay các doanh nghiệp phát triển dự án cũng đã đưa ra mức lợi nhuận hợp lý thay vì siêu lợi nhuận như trước đây, chia sẻ lợi nhuận với NĐT thứ cấp, người mua ở…”, ông Châu nhấn mạnh.
Minh Tuệ (t/h)