Bác phương án chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là một dự án trọng điểm, có tác động lớn, do vậy cần phải cân nhắc thật thận trọng khi thay đổi. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chính phủ nên báo cáo Quốc hội những gì khó khăn, chưa thể làm được để giải quyết, còn dự án nào vẫn có thể triển khai được thì vẫn làm, chứ không nên chuyển thẳng 08 dự án này sang đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, chủ trương đầu tư theo hình thức PPP để huy động nguồn lực ngoài nhà nước, giảm áp lực cho ngân sách đầu tư công. Do vậy, việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 08 dự án từ đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công là chưa hợp lý. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta cần phải tính toán tiền ở đây cho ngân sách đầu tư công khi chuyển toàn bộ 08 dự án này sang đầu tư công và liệu Chính phủ có thể giải ngân được hết nguồn vốn đầu tư hay không? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ liệu có phải các doanh nghiệp đã qua 02 vòng thầu sơ tuyển không có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án hay không?

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chính phủ và Ủy ban thẩm tra, các cơ quan hữu quan cần ngồi lại với nhau một lần nữa để nghiên cứu lại nội dung này, xem có dự án nào cần thiết chuyển sang đầu tư công, dự án nào có thể tiếp tục triển khai để đáp ứng giải quyết thực tiễn, lùi lại thời gian một chút cũng không sao.

Tổng hợp các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công là một chủ trương lớn, vì vậy cần kiên trì với chủ trương này. Nếu thay đổi cần phải xin ý kiến Quốc hội và Bộ Chính trị chứ chưa thể quyết định ngay được. Do vậy, đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan rà soát lại các dự án, chuẩn bị lại hồ sơ Tờ trình, nếu đủ “độ chín” sẽ trình để xin ý kiến lần 02 tại phiên họp 45B tới đây.

Được biết, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là dự án), tính đến tháng 10.2018, Bộ Giao thông- Vận tải đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần (trong đó có 3 dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công và 8 dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 477,25 km/654 km (đạt 73%), dự kiến cơ bản hoàn thành trong quý II năm 2020; đối với một số đoạn do phải di dời công trình hạ tầng phức tạp, sẽ hoàn thành trong quý III năm 2020. 

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa rất lớn và quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, việc hoàn thành và đưa vào khai thác dự án càng sớm càng có ý nghĩa đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. 

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có chung quan điểm rằng cần thiết phải chuyển đổi hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam. Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu chuyển sang đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư của 8 dự án đường cao tốc Bắc – Nam sẽ giảm khoảng 3.020 tỷ đồng do không phát sinh chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng như đầu tư PPP.

Đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông trước đó đã được Thủ tướng đồng ý. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.