Bất động sản nghỉ dưỡng đang dần hồi sinh sau đại dịch?

Theo DKRA Việt Nam, diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong quý I/2020 với sức cầu đang rơi xuống mức thấp kỷ lục. Ở phân khúc condotel, quý I chỉ ghi nhận một dự án mới được mở bán trước Tết Nguyên đán (tháng 1/2020), cung ứng ra thị trường 82 căn condotel, bằng 3,9% so với quý trước và bằng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tiêu thụ đạt 25 căn, giảm hơn 95% so với quý trước, thậm chí giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung sơ cấp và lượng tiêu thụ tập trung ở các thị trường quen thuộc đã mở bán trước đó như Khánh Hòa, Bình Thuận… Tuy nhiên, sức cầu chung tiếp tục suy giảm từ năm 2019 kéo dài đến quý đầu năm 2020 và mãi lực chỉ ghi nhận ở mức rất thấp.

Trong khi đó, thị trường biệt thự biển cũng rơi vào tình trạng ảm đạm trong những tháng đầu năm. Khảo sát của đơn vị này cho thấy thị trường biệt thự biển trong quý I chỉ có nguồn cung mới khoảng 16 căn, bằng 3% so với quý trước và bằng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 4 căn, chỉ bằng 1,6% lượng tiêu thụ so với quý trước. Nguồn cung và lượng tiêu thụ chỉ đến từ một dự án tại Phú Quốc.

Bất động sản nghỉ dưỡng trong quý I/2020 với sức cầu đang rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Việt Nam sẽ đón đầu luồng khách du lịch

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch và bây giờ là lúc đất nước đi vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Xét về dài hạn, nếu thành công trong việc khống chế dịch bệnh, thị trường này lại có thể phục hồi nhanh chóng bởi Việt Nam sẽ đón đầu luồng khách du lịch cũng như vốn đầu tư từ các quốc gia. Các chuyên gia khẳng định, đây là cơ hội mua cho những nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính, bởi không lúc nào tốt hơn để tiếp cận nguồn cung dồi dào với giá bán hấp dẫn, nhất là thị trường nghỉ dưỡng, như thời điểm này.

Theo ông Mauro Gasparotti Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, “Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm. Thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng 6 tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ.

Trong số tất cả các phân khúc, khách sạn hạng thấp ghi nhận mức công suất tăng nhanh hơn so với những khách sạn có định vị cao hơn”, ông Mauro Gasparotti đánh giá.

Cũng theo vị chuyên gia này, chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để quản lí và tạo ra nguồn doanh thu mới.

Trong khi đó, các dịch vụ lưu trú và nhà hàng cần phát triển các chiến lược tiếp thị, quảng bá sáng tạo và ý nghĩa hơn. Các tổ chức tài chính và chủ sở hữu bất động sản cần tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi.

Thị trường sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn

Nói về sự phục hồi sau đại dịch, ông Mauro Gasparotti cho rằng, thị trường du lịch Việt Nam sẽ phục hồi trước tiên, theo 3 giai đoạn. Bởi sau quyết định về cách ly xã hội, phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã đóng cửa, nhưng hầu hết đang có kế hoạch hoạt động trở lại trong tháng 5/2020, với các chương trình khuyến mãi để thu hút khách du lịch trong nước.

Ở giai đoạn đầu, trong bối cảnh nhiều người còn e ngại việc di chuyển bằng máy bay, các điểm đến có thể di chuyển bằng xe như: Vũng Tàu, Hồ Tràm, Mũi Né, Hạ Long, Đà Lạt và Sapa sẽ là lựa chọn hàng đầu trong ngắn hạn.

Giai đoạn tiếp theo sẽ là sự trở lại của du khách nước ngoài khi lệnh cấm các chuyến bay được dỡ bỏ và các quốc gia kết nối được xem là an toàn. Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ là những quốc gia được ưu tiên mở lại trước do đây là những thị trường khách quốc tế chính của Việt Nam, đồng thời cũng là những quốc gia có số ca nhiễm giảm đáng kể.

Giai đoạn cuối cùng là khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn và ngành du lịch toàn cầu phục hồi trở lại về mức trước khi áp dụng các chính sách hạn chế du lịch do Covid-19. Khi các hạn chế du lịch được dỡ bỏ hoàn toàn sẽ có 2 tác động chính. Đó là sự thay đổi trong hành vi của khách du lịch và các tác động kéo dài của suy thoái kinh tế toàn cầu. Cả 2 yếu tố này nên cần tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới.

Sự phục hồi ban đầu được dự kiến sẽ theo mô hình chữ V, điều này vốn phổ biến trong ngành Khách sạn và Du lịch, và đã diễn ra ở Việt Nam trước đó: Từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2015 khách Trung Quốc và Nga đột ngột giảm nhưng cả hai đều nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch COVID-19, chúng tôi dự đoán việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021.

“Chúng tôi vẫn luôn có một cái nhìn tích cực về tương lai của ngành khách sạn ở Việt Nam và trên thực tế khi thấy đất nước cùng đoàn kết vượt qua đại dịch, quan điểm đó càng trở nên vững chắc hơn. Đặc biệt khi xét tới lượng lớn khách du lịch nội địa và du lịch nước ngoài cùng với khoảng cách lân cận đến những các quốc gia có lượng khách xuất ngoại lớn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kì vọng vào sự phục hồi”, ông Mauro Gasparotti cho biết.

Nhật Hạ (t/h)