Các quốc gia trên thế giới xây dựng “đô thị xanh” như thế nào?

Mô hình “đô thị xanh” tại các nước phát triển

Ý tưởng về một đô thị sinh thái đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX và phổ biến trên thế giới trong 2 thập kỷ qua. Mô hình này xuất hiện khắp châu Âu, như BedZed ở Anh, Hammarby Sjöstad ở Thụy Điển, Kronsberg và Vauban ở Đức…

Tại Pháp, nỗ lực kêu gọi xây dựng đô thị phát triển bền vững của Chính phủ góp phần hình thành những đô thị sinh thái nổi tiếng.

Khu Confluence tại Lyon, Pháp là một ví dụ. Đô thị này hoàn thành xây dựng vào năm 2011 tại hợp lưu của hai dòng sông, tạo thành thế đất “mũi tàu” giáp ba mặt sông. Confluence rộng 150ha trong đó 60% diện tích là không gian xanh và không gian công cộng, dự tính khu vực sẽ có 25.000 dân vào năm 2020. Các công trình đều tiết kiệm 50% năng lượng so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Khu đô thị được vinh danh tại nhiều giải thưởng, nhờ quy hoạch tôn vinh cảnh quan sông nước kết hợp với sử dụng vật liệu và công nghệ tiên tiến tạo ra khu đô thị sinh thái bền vững.

Khu đô thị sinh thái nổi tiếng Confluence tại Lyon, Pháp.

Tại châu Á, Nhật Bản và Singapore là những quốc gia đi đầu trong các sáng kiến xây dựng mô hình đô thị sinh thái. Khu đô thị xanh Fujisawa Sustainable Smart Town (Fujisawa SST), thuộc tỉnh Kanagawa, cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng 50 km về hướng Tây Nam, là một trong những đô thị sinh thái điển hình.

Nhờ sự kết hợp giữa ý tưởng công nghệ độc đáo và mục tiêu phát triển bền vững, cách xây dựng đô thị thông minh Fujisawa (tỉnh Kanagawa) được nhiều nước chia sẻ và học tập, được xem là khu đô thị sinh thái và thông minh nhất thế giới.

Fujisawa ra đời dựa trên ý tưởng về “Phong cách sống xanh” của Panasonic, trong bối cảnh nhiều thành phố ở Nhật Bản đối mặt tình trạng thiếu hụt điện năng và bị cắt điện liên tục. Lý do là vì sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, Nhật Bản đẩy mạnh việc tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả năng lượng.

Fujisawa được xây dựng theo mô hình giống như chiếc lá, có diện tích 19 hecta với nguồn vốn đầu tư 60 tỷ yên, bắt đầu hoạt động vào năm 2014. Trung bình, một căn biệt thự có diện tích 120 – 150m2 có giá khoảng 50-60 triệu yen (8,9 – 10,6 tỷ đồng). Mỗi căn nhà sẽ được trang bị những thiết bị thông minh với mục đích sử dụng năng lượng hiệu quả, cắt giảm 70% lượng phát thải carbon và 30% lượng cấp nước. Hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời sẽ đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng điện của mỗi hộ gia đình (trong trường hợp năng lượng không đủ sẽ có hệ thống pin cung cấp bổ sung).

Khu đô thị xanh Fujisawa Sustainable Smart Town (Nhật Bản).

Tất cả hệ thống đèn giao thông, thắp sáng đường phố hay các căn hộ ở đây được lắp đặt tấm pin mặt trời và thiết bị lưu điện, cư dân của toàn đô thị sẽ dùng xe đạp và ôtô điện thế hệ mới. Ngoài ra, những động cơ phát ra khí thải, gây ồn sẽ bị hạn chế. Fujisawa còn được đánh giá là một trong thị trấn an toàn nhất trên thế giới khi được trang bị các thiết bị giám sát hiện đại, được lắp đặt tuyệt đối bí mật.

Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong vấn đề quy hoạch đô thị gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.

Theo đó, Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng đến việc phủ xanh đô thị với mục đích thẩm mỹ và cải thiện môi trường. Do có diện tích nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với TP.HCM, nên từng mét vuông đất đều được quy hoạch rất cẩn thận.

Đặc biệt, Singapore đã áp dụng chính sách vườn ở bất kì nơi đâu, từ tường nhà tới mái và đẩy mạnh xây dựng công viên cây xanh trong đô thị. Chính vì vậy, diện tích cây xanh đã chiếm 50% diện tích toàn thành phố, con số đáng mơ ước với nhiều thành phố khác trên thế giới.

Singapore đã áp dụng chính sách vườn ở bất kì nơi đâu.

Việt Nam chưa có khu đô thị xanh đúng nghĩa

Ở Việt Nam, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định khái niệm về đô thị sinh thái cũng như các tiêu chí cụ thể khi xem xét đánh giá đô thị có phải là đô thị sinh thái hay không.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà nghiên cứu về đô thị sinh thái, một khu đô thị sinh thái phải hội tụ các yếu tố kiến trúc xanh hay xây dựng xanh, ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, tạo không gian cho cư dân sử dụng các phương tiện giao thông thô sơ, giảm phát thải và tốt cho sức khỏe như đi bộ, xe đạp…

Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGCB), cho đến nay, Việt Nam đã có khoảng 100 công trình xanh. Trong đó, có 24 công trình áp dụng theo bộ tiêu chuẩn LOTUS, trên 90 công trình theo bộ tiêu chuẩn LEED. Tuy nhiên, công trình xanh mới chỉ dừng ở cấp độ các dự án đơn lẻ, chưa có khu đô thị nào được công nhận là khu đô thị xanh.

Ecopark vẫn chưa áp dụng các bộ tiêu chí xanh.

Những khu đô thị như Ecopark (Hưng Yên), Sunny Garden City (Hà Nội) đang phần nào giải tỏa được cơn khát về một khu đô thị với nhiều không gian xanh, là điểm đến yêu thích của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần.

Điểm chung của những khu đô thị như trên là phát triển đồng bộ được các hạng mục hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, đáp ứng tốt nhu cầu sống, tiện ích nội khu cho các cư dân. Tuy nhiên, nếu nói đây là các khu đô thị xanh thì vẫn chưa đúng.

Trên thực tế, hai khu đô thị này chưa áp dụng các bộ tiêu chí xanh cụ thể, mà xanh ở các dự án này mới chỉ được hiểu và nhìn nhận nhiều hơn theo hướng xanh cây, xanh về mặt không gian (cảnh quan, hồ nước, cây cối). Nói cách khác, các khu đô thị mới chỉ xanh trong mắt người nhìn, chứ chưa dựa trên các bộ tiêu chí về công trình xanh, kể cả với các hạng mục tòa nhà.

Nhật Hạ (t/h)