Công trình xây dựng “khủng” ở Bát Tràng, không rõ ai cấp phép?

Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng lạ lùng thay, chính quyền hai xã đều không “thừa nhận” công trình xây dựng này thuộc địa phận địa phương mình quản lý.

Thời gian vừa qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được nhiều phản ánh liên quan đến việc dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam nằm tại vị trí giáp danh giữa hai xã hai xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) và xã Xuân Quan (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) xây dựng không phép. Ngoài ra, trong thời gian mà nhân dân cả nước đang thực hiện dãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì dự án vẫn “nhộn nhịp” triển khai xây dựng.

Chính quyền hai xã Bát Tràng và Xuân Quan không thừa nhận Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” trên phạm vi danh giới của mình.

Tìm hiểu được biết, Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” được Hiệp hội làng nghề Việt Nam xây dựng tại khu vực ven sông giáp làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từ năm 2018. Dự án được xây dựng với số vốn hơn 100 tỷ đồng (tương đương hơn 4 triệu USD), mặt bằng diện tích 3.300m2 gồm có nhiều công năng, giới thiệu sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, lụa, đồ gỗ, tò he, hàng thủ công mỹ nghệ…

Theo kế hoạch, dự án này sẽ được khánh thành vào cuối năm 2019, tuy nhiên đến nay công trình này vẫn chưa được hoàn thiện, nhiều hạng mục vẫn còn dở dang.

Trước đó, trao đổi với báo chí bà Hà Thị Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội chia sẻ: “Mô hình chúng tôi có Trung tâm giới thiệu sản phẩm của các làng nghề tiêu biểu nhất của Hà Nội, của các nghệ nhân đại diện cho các làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Chúng tôi dự kiến mở ở đây từ 15 đến 20 làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Ở đây sẽ là nơi giao lưu Hà Nội với cả nước của chương trình mỗi làng một sản phẩm. Qua đó, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước hiểu được cái hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam qua ngành thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra trung tâm này kết nối đón tour du lịch vào làng Bát Tràng. Chúng tôi muốn đưa du khách vào thăm nhà các nhà nghệ nhân làng Bát Tràng rồi kể cho họ những câu chuyện làm nghề”.

Công trình “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” còn có 1 trại sáng tác nghệ thuật dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên trường đại học mỹ thuật công nghiệp, cũng như những người yêu gốm sứ. Ở đây có đầy đủ phương tiện kỹ thuật, máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu để sáng tác sản phẩm.

Ông Phạm Văn May – Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, khu vực công trình xây dựng “Tinh hoa làng nghề Việt” thuộc địa phận hành chính xã Xuân Quan.

Một công trình có ý nghĩa văn hóa truyền thống như vậy, tuy nhiên một số nghi vấn cho rằng, công trình được thi công khi chưa có Giấy phép xây dựng.

Ông Nguyễn Văn T – người dân làng Bát Tràng cho biết: Dự án lớn như vậy, nhưng lại không có giấy phép xây dựng. Vào thời điểm đang giãn cách xã hội, nhưng tôi thấy công trình này vẫn tiến hành xây dựng, công nhân đi lại làm việc không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nếu dịch Covid-19 bùng phát từ những công nhân tại công trình này, lây lan ra làng nghề Bát Tràng, ra xã hội thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Để làm rõ thông tin giấy phép xây dựng và căn cứ pháp lý của công trình, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tuy nhiên, qua trao đổi ông Phạm Văn May khẳng định: Công trình xây dựng “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” thuộc địa giới hành chính của xã Xuân Quan, tỉnh Hưng Yên, xã Bát Tràng không quản lý. Công trình này do công dân xã Bát Tràng là bà Hà Thị Vinh – Công ty Quang Vinh họ thuê đất để xây dựng công trình. Nếu muốn tìm hiểu công trình này có lập hồ sơ xây dựng không thì các bạn phải xuống địa bàn xã Xuân Quan tìm hiểu, thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên quản lý. Đối với địa dư hành chính theo bản đồ 364 trước đây, từ năm 2015 xã có làm mốc giới 364 hoạch định giữa Xuân Quan và Bát Tràng đã có thoả thuận rồi, về cơ bản theo mốc giới 364 không có nhiều biến động lắm. Tuy nhiên, tất cả các diện tích vị trí này đều thuộc xã Xuân Quan, họ quản lý hành chính về đất cũng như là địa dư hành chính.

Ông Phạm Văn May cũng cho biết: Một số diện tích nằm trên đất công trình thủy lợi, công dân thường là người Bát Tràng, Xuân Quan về đây cư trú, sinh hoạt. Bên xã Xuân Quan họ cũng không quản lý trên này nhiều, toàn bộ phần diện tích đấy nó nằm giáp với Bát Tràng nên công tác quản lý họ cũng không thu thuế ở đây, họ cũng không quản lý hành chính ở đây, họ cứ mặc kệ. Công dân ở đây họ vẫn sinh hoạt tại Bát Tràng, thành lập 1 xóm là xóm 5. Vẫn gọi là xóm 5 Bát Tràng thế thôi, nhưng mà về địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số nhà thì bên Bát Tràng cũng không cấp được vì làm gì có sổ đỏ đâu mà cấp, đất này nằm trên đất quản lý công trình Bắc Hưng Hải.

Ông May cho biết thêm: Đối với công trình nhỏ lẻ ở Hưng Yên, họ cũng không cấp phép, dự án thì phải thuộc cấp huyện hoặc cấp tỉnh cấp phép, đây lại là công trình xây dựng của công ty, nếu muốn tìm hiểu rõ các bạn cứ xuống xã Xuân Quan.

Để làm rõ thông tin liên quan đến việc quản lý dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam”, ngày 23/4 phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc với chính quyền xã Xuân Quan. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan lại khẳng định: Công trình xây dựng “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” không phải trên địa bàn xã Xuân Quan, chỗ đó thuộc địa phận xã Bát Tràng.

Các công nhân xây dựng không trang bị đồ bảo hộ lao động cũng như trang bị đồ phòng chống dịch như khẩu trang

Khi phóng viên cung cấp hình ảnh chụp dự án, bà Hoa tiếp tục khẳng định: Chỗ này là của Bát Tràng, các bạn đi vào làng Bát Tràng, bên tay phải, công trình xoáy chôn ốc đấy phải không? Cái đó là của cá nhân hay Hiệp hội gì đó thì mình không rõ, nhưng cái đấy là của Bát Tràng, còn đối với Xuân Quan là không có. Thực ra phạm vi về hành chính có một phần đất của Xuân Quan, nhưng cái dự án đấy không phải của người Xuân Quan làm.

Lạ lùng thay, một công trình “khủng” có kiến trúc đặc trưng, nhưng chính quyền hai xã Xuân Quan và xã Bát Tràng đều không thừa nhận thuộc trách nhiệm của mình quản lý. Không lẽ tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, khi tấc đất là tấc vàng lại “lọt” một hố đen về địa giới, không thuộc quyền quản lý của ai?

Nhiều ý kiến đặt ra, nếu như trong quá trình xây dựng xảy ra vấn đề như tai nạn lao động, chất lượng công trình không được đảm bảo trong thi công xây dựng thì ai là người chịu trách nhiệm. Đây có phải sự quan liêu, hay năng tắc trách của chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Theo báo Xây dựng