“Cú hích” mới cho thị trường BĐS

Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2021 với một số điều chỉnh trên cơ sở nội dung buổi làm việc của Chính phủ với TP.HCM.

Cụ thể, Sở Nội vụ giữ nguyên phương án sắp xếp đối với 19 đơn vị hành chính cấp phường và bổ sung phương án sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập đơn vị hành chính tạm gọi là thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM.

Việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng…

Thành phố phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TPHCM và vùng Đông Nam bộ. Theo Sở Nội vụ, việc quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác phía Đông TPHCM phù hợp với định hướng phát triển không gian “Vùng TPHCM” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2076/2017 và các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 950/2018 về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Sau khi sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía Đông trực thuộc TPHCM, có tiêu chuẩn quy mô dân số hơn 1 triệu người, diện tích tự nhiên gần 212 km2.

Tăng giá mặt bằng tại nhiều dự án

Theo khảo sát thực tế cho thấy, nắm bắt sức nóng của thị trường khu vực, hiện một số dự án mới đang triển khai bán trên địa bàn cũng đưa ra mặt bằng giá tăng cao so với giai đoạn mở bán trước đó.

Đơn cử như các sản phẩm sơ cấp ở phân khúc nhà liền thổ như tại An Phú New City (quận 2) có giá chào bán đợt đầu lên 160 triệu/m2. Tuy nhiên trong kế hoạch mở bán tới đây, chủ đầu tư dự kiến tiếp tục tăng giá 5-10%.

Mặc dù vậy, đây vẫn là mức giá khá mềm nếu so sánh với nhiều dự án xung quanh. Đơn cử, đất trên tuyến đường Song Hành hiện có giá 300-340 triệu/m2; đường Trần Não 320-380 triệu/m2; đường Lương Định Của 280-320 triệu/m2…

Tại quận 9, dự án khu biệt thự và nhà vườn Ba Son – Đông Tăng Long Hưng Phúc, đang đưa ra mức giá từ 45 triệu/m2. Thông tin Thủ tướng ủng hộ việc thành lập “Thành phố phía Đông” ngay lập tức đã có hiệu ứng với thị trường khi trong khoảng 2 tuần trở lại đây, dự án ghi nhận lượng khách tăng gấp 3 lần so với trước đó.

Không chỉ dự án mới, loạt căn hộ hiện hữu khu vực Him Lam Phú An, Jamila Khang Điền, từ giá khởi điểm 30-35 triệu/m2 năm 2019 hiện đã leo lên từ 37-40 triệu/m2. Dự án Safira Khang Điền, Saigon Gateway, Hausneo… từ mức giá 27-30 triệu/m2 hiện đều đã tăng đến 35-37 triệu/m2. Nhiều chung cư trên tuyến Đồng Văn Cống, Xa Lộ Hà Nội, thuộc quận 2 có xu hướng tăng giá thứ cấp lên đến gần 300-400 triệu/căn so với đầu năm 2019.

Cơ hội vàng cho nhà đầu tư bất động sản?

Trao đổi với Tri Thức trẻ, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&B DKRA Vietnam cho rằng, việc thành lập “Thành phố phía Đông” của Tp.HCM sẽ trở thành một động lực mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cho cả thị trường BĐS Tp.HCM nói chung và 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) nói riêng.

Ông Hoàng cũng dự báo, khi đề án được chính thức duyệt thì các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước cũng tăng cường đầu tư lớn hơn, từ đó tác động đến mức giá BĐS tại khu vực này. Mà đây cũng vốn là thị trường mà 5 năm qua luôn là khu vực dẫn dắt thị trường BĐS Tp.HCM về sự tăng trưởng giá.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land, việc thống nhất 3 quận thành lập thành phố khu Đông với các cơ chế phát triển đặc thù, riêng biệt sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn và là cơ hội rất lớn về công ăn việc làm, về nhu cầu nhà ở cũng như thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp BĐS và cả thị trường khu Đông.

Theo bà Hương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn nhìn vào các cơ hội đầu tư trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Việc thành lập Thành phố khu Đông theo định vị khu đô thị sáng tạo và là trung tâm phát triển kinh tế mới của thành phố sẽ là đòn bẩy thu hút nguồn lực đầu tư và tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực này trong thời gian sắp tới. Theo đó, giá BĐS cũng sẽ theo chiều hướng đi lên, trong đó các dự án được quy hoạch bài bản, quy mô đủ lớn, đáp ứng chất lượng sống của người dân vẫn có lợi thế rất lớn trên thị trường cả về giá lẫn giao dịch.

“Việc triển khai đề án quy hoạch “Thành phố phía Đông” nên cần tiến hành sớm nhằm nắm bắt cơ hội phát triển tăng tốc của thị trường sau khi đại dịch bệnh đã qua đi”, bà Hương nhấn mạnh.

P.V (tổng hợp)