Đồng Nai dành hơn 140 ha đất làm 54 dự án năng lượng

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án năng lượng nằm ở hầu hết các huyện, TP. Biên Hòa và TP. Long Khánh. Tuy nhiên, nơi tập trung nhiều dự án năng lượng là H.Nhơn Trạch với 16 dự án, TP.Biên Hòa với 9 dự án, H.Trảng Bom với 7 dự án và H.Long Thành với 5 dự án.

Theo báo Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh đang cùng lúc triển khai nhiều dự án năng lượng, trong đó chủ yếu là làm các trạm điện, trụ điện, lưới điện. Các địa phương ngoài thực hiện các dự án, công trình trên những lĩnh vực khác thì tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng để làm các công trình điện đảm bảo nguồn cung ứng cho các khu công nghiệp, người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “TP.Biên Hòa đang tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng để làm một số dự án năng lượng của tỉnh và quốc gia. Đây là dự án thành phố ưu tiên bồi thường thu hồi đất để các chủ dự án triển khai theo đúng tiến độ và lộ trình”. Tuy nhiên, việc thu hồi đất tại TP.Biên Hòa và các huyện, thành phố khác tương đối khó khăn vì nhiều người dân chưa đồng tình với giá bồi thường đất, tài sản và cây trồng trên đất.

Đơn cử ở xã An Phước (H.Long Thành) có dự án đường điện đi qua một số vườn cây ăn trái của người dân và dự tính tiền bồi thường cho cây trồng bị chặt bỏ chỉ gần bằng số tiền người dân thu hoạch trong một năm. Do đó, nhiều người dân chưa đồng tình, vì cây ăn trái chặt đi người dân sẽ mất nguồn thu trong thời gian dài nên giá bồi thường phải tính toán để không quá thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi.

Tương tự, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Hữu Đảng chia sẻ: “Kế hoạch sử dụng đất năm 2020, huyện sẽ phải thu hồi đất sạch giao cho chủ đầu tư gần 10ha để làm 7 dự án về năng lượng. Trong đó, có một số dự án là thực hiện các trụ điện cho lưới điện quốc gia và trạm hạ áp để đảm bảo nguồn điện cho Khu công nghiệp Giang Điền. Huyện đang tiến hành bồi thường cho người dân, nhưng một số người dân chưa nhận tiền bởi cho rằng giá bồi thường thấp”. H.Trảng Bom đang tiến hành vận động người dân nhận tiền bồi thường và giao đất cho đơn vị thi công.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất các huyện gặp phải là công tác bồi thường vì người dân cho rằng giá bồi thường thấp.

P.V (tổng hợp)