Dự án Canary Thái Nguyên bán “lúa non” khi chưa có phép

Sở Xây dựng Thái Nguyên khẳng định dự án Canary City chưa đủ điều kiện mở bán theo các quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, việc chủ đầu tư huy động vốn từ bất động sản hình thành trong tương lai là không đúng quy định.

Yêu cầu làm rõ sai phạm

Sở Xây dựng Thái Nguyên đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc này, đồng thời đề nghị TP Sông Công ngay lập tức trực tiếp kiểm tra đối với chủ đầu tư về việc huy động vốn dự án.

“Trường hợp chủ đầu tư Công ty cổ phần thương mại đầu tư Xuất Nhập Khẩu thực hiện xây dựng, huy động vốn, góp vốn theo các hình thức trái với quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản thì báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ quan liên quan: Tư pháp, Công an xử lý”.

Được biết, dự án Canary City có diện tích 63ha, được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư tại Công văn số 1018/UBND-TH ngày 27/06/2011, chủ đầu tư ban đầu là Trung tâm phát triển Quỹ nhà – đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên. Năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số 955/QĐ – UBND.

Đến năm 2017, dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép chuyển đổi chủ đầu tư, theo đó chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Xuất Nhập Khẩu. Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển đổi, tỉnh này cũng cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500, trở thành một đô thị hiện đại với đầy đủ các công trình công cộng, thương mai dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Dự án Canary Thái Nguyên bán lúa non khi chưa có phép - Ảnh 1.

Dự án Canary City Thái Nguyên đang trong giai đoạn thi công xây dựng cơ sở hạ tầng

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện dự án đang thi công hạ tầng kỹ thuật như: Lu nền, làm đường ống nước thải…Tuy nhiên, trên các trang thông tin mua bán bất động sản, dự án đã được rao bán rầm rộ theo hình thức giữ chỗ với giá khởi điểm 6,5 triệu đồng/m2. Đáng nói, theo ông Phan Thanh Hà – PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, dự án Canary City hiện chưa được giao đất, chưa có đánh giá tác động môi trường.

Không dừng lại ở đó, chủ đầu tư còn ngang nhiên lập hợp đồng nguyên tắc về quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai với khách hàng.

Chính quyền địa phương làm ngơ?

Đại diện UBND phường Cải Đan, TP Sông Công – nơi dự án hình thành cho biết, UBND phường hoàn toàn nắm rõ việc dự án chưa có quyết định giao đất và khẳng định khi thi công, chủ đầu tư không có thông báo tới chính quyền. Như vậy, nhận biết rõ sai phạm thế nhưng chính quyền định phương nơi đây dường như đang làm ngơ với Canary City.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một luật sư cho biết, để đủ điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, dự án phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Cụ thể, khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: Dự án phải đáp ứng đủ các điều kiện có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

“Do đó, trường hợp dự án Canary City chưa được giao đất, chưa đủ điều kiện để bán mà đã rao bán là vi phạm pháp luật. Người mua nhà tại dự án sai phạm cũng sẽ chịu nhiều rủi ro nếu dự án vướng pháp lý hay chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết” – vị Luật sư cho biết.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã giao kết với khách hàng dưới nhiều hình thức hợp đồng. Nhiều dự án tính pháp lý chưa rõ ràng, chưa đủ điều kiện giao dịch, kinh doanh nhưng chủ đầu tư vẫn đưa ra giao dịch, mua bán với các hình thức nêu trên dẫn đến có nhiều trường hợp sau khi nhận tiền góp vốn của khách hàng không triển khai thực hiện được; khách hàng tranh chấp, khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn TP. Không những thế, việc kinh doanh bất động sản bằng nhiều hợp đồng khác nhau dẫn đến khó khăn cho người mua bất động sản và trong công tác quản lý nhà nước.

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất cấm sử dụng hình thức lập biên bản hoặc thỏa thuận “đặt cọc giữ chỗ”, “góp vốn đầu tư”, “hợp tác đầu tư”, “hợp tác kinh doanh” hoặc lập “vi bằng thừa phát lại” để thực hiện giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai nhằm huy động vốn trái phép.

Điều này giúp ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp, đầu nậu lợi dụng lách luật để huy động vốn trái phép đối với các khu đất phân lô bán nền hoặc dự án bất động sản hình thành trong tương lai nhưng chưa đủ điều kiện huy động vốn.