Hậu Covid-19, thời của bất động sản công nghiệp?

Thời gian qua, Apple liên tục tuyển dụng nhân sự với các vị trí từ kỹ sư, quản lý vận hành làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, hãng này còn tìm kiếm rất nhiều các ứng viên tại bộ phận chuỗi cung ứng và vận hành. Từ tháng 3, Apple cũng tăng sản xuất Airpod tại Việt Nam.

Không chỉ Apple mà rất nhiều “ông lớn” khác cũng đang có động thái rời Trung Quốc để sang một nước thứ ba và Việt Nam là một trong các nơi họ nhắm tới. Cụ thể, Samsung đang tính chuyển dây chuyền sản xuất một số smartphone cao cấp tới Việt Nam.

Hay trong tháng 2, tờ Nikkei thông tin hai hãng công nghệ khổng lồ là Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việt Nam điểm đến đầy hứa hẹn

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra gián đạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, điều này đã khiến các nhà đầu tư quan tâm đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo Vnexpress, nói về vấn đề này, TS. Sử Văn Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, việc chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc như một phương pháp các công ty đa quốc gia bảo hiểm rủi ro.

Theo ông Khương, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài với lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, chi phí lao động thấp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng – cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi – tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế là gần Trung Quốc, điều này giúp các nhà đầu tư dễ dàng bổ sung cơ sở sản xuất – nhưng vẫn không cần từ bỏ thị trường 1,4 tỷ dân này.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nếu muốn thu hút đầu tư. Ông Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – cho rằng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Indodesia, Malaysia và Thái Lan về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và chất lượng thể chế.

“Điều này không dễ dàng, bởi việc thu hút được các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn mang tính dài hạn mà Việt Nam chưa xử lý được”, ông Thành nhận xét.

“Cơ hội vàng”

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết hiện nay uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua.

Điều này chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam, với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Trước đó, theo báo cáo của JLL Việt Nam, khu vực miền Bắc đang thu hút một lượng lớn các tập đoàn muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất tại châu Á. Giá đất trung bình năm 2020 đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn – lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ – vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4-5 USD/m2/tháng và đều có tỷ lệ lấp đầy cao.

Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường ghi nhận nhu cầu thuê tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê. Giá đất trung bình đến nay đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn có giá thuê dao động 3,5-5 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh thành khác.

Theo thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2019, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đạt 96.500 ha. Trong số đó, 256 khu công nghiệp đã hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lên đến 75%, 79 khu công nghiệp đang xây dựng, đền bù và giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung trong tương lai.

Mặc dù đại dịch Covid-19 tạo tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, tỷ lệ lấp đầy quý I/2020 vẫn đạt 72% – một tín hiệu tích cực về niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Các tỉnh công nghiệp trọng điểm ở miền Bắc và miền Nam có sự tăng trưởng về tỷ lệ lấp đầy và giá thuê theo năm khá tốt.

P.V (tổng hợp)