Kinh doanh ế ẩm, khách sạn trăm tỷ đua nhau rao bán

Cú sốc mang tên Covid-19

Theo báo cáo của Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), năm 2019 đã trở thành năm bội thu của bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng châu Á với lượng giao dịch tăng 61% và doanh thu lên tới 14 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường Bắc Mỹ giảm 20% và thị trường châu Âu, Trung Đông – châu Phi gần như không có sự biến động.

Tuy nhiên, cơn lốc khủng khiếp mang tên Covid-19 quét khắp toàn cầu đã khiến ngành du lịch – khách sạn điêu đứng. Đầu tư vào ngành này ở châu Á đã giảm 45%, tương đương với sụt giảm trong doanh số bán lẻ bất động sản. Ngành du lịch khách sạn, chủ yếu dựa vào du lịch quốc tế và hội thảo, ưu đãi, hội nghị và triển lãm – đã thực sự bị khủng hoảng khi lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được các nước áp đặt.

Thậm chí, ngay ở những quốc gia mà du lịch nội địa chiếm tỷ trọng lớn thì nhu cầu vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Tại Nhật Bản, tỷ lệ đặt phòng đã giảm 30% trước khi Chính phủ nước này công bố hoãn Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020.

Giám đốc bộ phận kinh doanh đầu tư của JLL Nihat Ercan nhận định, cú sốc mang tên Covid-19 là “chưa từng có tiền lệ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản du lịch khách sạn thành phố cũng như resort, nghỉ dưỡng. “Cứ như ai đó đã gạt công tắc và tất cả đều vụt tắt”, ông Nihat Ercan ví von và cho rằng, lượng giao dịch trong ngành này sẽ tiếp tục sụt giảm 4 tỷ USD trong năm nay – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo nguồn cung năm 2022 sẽ thấp hơn mức dự đoán trước khủng hoảng. Theo nhà cung cấp dữ liệu khách sạn STR, tỷ lệ đặt phòng tại khu vực châu Á trong tháng 6/2020 ở mức 39%, giảm đến 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trên mỗi phòng khách sạn giảm còn 23 USD – mức sụt giảm đáng kinh ngạc so với năm 2019.

Trong bối cảnh các quốc gia vẫn hạn chế du lịch quốc tế, nhiều nước đã chuyển hướng sang đẩy mạnh du lịch nội địa khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Dù vậy, ở một số quốc gia, thị trường du lịch nội địa vẫn không đủ lớn để bù đắp cho phần doanh thu khổng lồ đến từ nguồn khách quốc tế, đặc biệt là ở những nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng như Indonesia hay Thái Lan.

Việc sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch Trung Quốc cũng khiến ngành du lịch khách sạn của nhiều quốc gia lao đao.

Đua nhau rao bán khách sạn

Tại Việt Nam, sau đợt giãn cách xã hội, ngành kinh doanh khách sạn đã rục rịch mở cửa trở lại để phục vụ khách du lịch nội địa, tuy nhiên chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều khách sạn phải ngậm ngùi đóng cửa thêm một lần nữa.

Theo VietnamNet, tại Hà Nội, khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung hàng trăm khách sạn lớn nhỏ trước đây là nơi lưu trú của khách du lịch quốc tế, nay hầu hết vẫn tiếp tục đóng cửa hoặc số ít hoạt động cầm chừng.

Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về số khách sạn phải đóng cửa vĩnh viễn, nhưng đã có những khách sạn được rao bán. Bên cạnh đó, một số khách sạn được chủ nhà mời thuê do người thuê cũ đã không thể gượng dậy nỗi sau cơn “bão” Covid-19.

Không chỉ tại Hà Nội, TP.HCM mà tại các thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng… ảm đạm không kém.

Theo PLO, những ngày qua, thông tin rao bán khách sạn tại trung tâm TP.HCM ngày càng nhiều hơn. Từ những khách sạn nhỏ lẻ giá vài chục tỉ đồng đến những khách sạn 3-4 sao giá hàng trăm tỉ đồng đua nhau chào bán.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, đại diện một công ty vận hành chuỗi khách sạn ở TP Đà Lạt, chia sẻ không chỉ khách sạn nhỏ mà nhiều khách sạn 4-5 sao ở Đà Lạt cũng gặp khó khăn. Tỉ lệ lấp đầy phòng ở mức dưới 20%, thấp kỷ lục từ trước tới nay.

“Mỗi tháng chi phí vận hành rất lớn, vừa mới phục hồi đón khách lại 1-2 tháng thì dịch lại bùng phát. Chủ nào xác định không thể duy trì thì tất yếu phải bán ra để thu hồi vốn” – ông Tuấn nói.

Ông Quốc Đạt, chủ đầu tư một khách sạn tại TP Nha Trang, cũng cho biết đang rao bán một khách sạn ông mới xây cuối năm 2019. “Chi phí đầu tư xây dựng quá lớn, hiện nay còn phải trả lương nhân viên cộng thêm trả lãi vay ngân hàng nên khó mà gánh nổi. Rao bán thời điểm này cũng rất khó kiếm người mua” – ông Đạt lo lắng.

Theo ông Đạt, khách sạn nhỏ lẻ ở Nha Trang cũng rao bán khá nhiều, giá 15-50 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia, thị trường khách sạn trong nước có phục hồi sớm được hay không phụ thuộc rất lớn vào khách du lịch nước ngoài. Theo dữ liệu của Cục Hàng không Việt Nam, để khắc phục tình trạng thiếu vắng khách du lịch lưu trú, từ tháng 6/2020, cơ quan này đã cho phép Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo tăng cường các chuyến bay nội địa. Đây sẽ là nguồn khách chủ yếu của các khách sạn tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh khác. Tuy nhiên, dịch Covid-16 tái bùng phát trong cộng đồng khiến lượng khách đi lại sẽ sụt giảm.

Theo TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia bất động sản, thực trạng nhiều khách sạn rao bán do kinh doanh khó khăn chủ yếu ở các TP du lịch. Tình trạng này ở những nơi như TP.HCM sẽ lạc quan hơn vì vẫn có hy vọng khi khách quốc tế quay trở lại sau dịch.

Các khách sạn 4-5 sao rao bán sẽ hiếm hơn vì chủ thường có quỹ dự phòng và kế hoạch kinh doanh dài hạn nên ít bị ảnh hưởng. Chỉ có các khách sạn nhỏ lẻ 1-3 sao sẽ được rao bán nhiều vì đa số chủ đầu tư đều vay ngân hàng để kinh doanh. Khi không có nguồn thu, họ sẽ không thể trụ được.

Nhật Hạ (t/h)

Reset password

Enter your email address and we will send you a link to change your password.

Get started with your account

to save your favourite homes and more

Sign up with email

Get started with your account

to save your favourite homes and more

Bằng cách nhấn nút «SIGN UP», bạn đồng ý với Terms of Use và Privacy Policy.
Powered by Estatik
Lên đầu trang