Mai Linh đã từng dồn toàn lực vào dự án The Matrix One nhưng vẫn không đủ năng lực?

Mai Linh – Chủ đầu tư The Matrix One là ai?

CTCP Đầu tư Mai Linh thành lập từ những năm 2006 với một trong những cổ đông sáng lập là ông Trần Đăng Khoa. Ông Khoa (sinh năm 1970) nổi tiếng với biệt danh “Khoa Keangnam”. Vốn dĩ có tên này là bởi ông tham gia khá sâu vào hoạt động mua bán, giao dịch tại một trong những dự án “hot” nhất thị trường Hà Nội thời điểm 2007-2009 trên vai trò trợ lý chủ tịch Công ty Keangnam Vina – chủ đầu tư khu Tổ hợp Keangnam Landmark Tower.

Sau khi thành lập, tên tuổi Đầu tư Mai Linh gắn với dự án khu chung cư Golden Palace Mễ Trì, Hà Nội có quy mô 3 tòa tháp cao 30 tầng, khoảng 1.000 căn hộ cao cấp đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, cũng tại dự án này Mai Linh từng gặp nhiều vấn đề rắc rối liên quan đến việc buộc khách hàng mua nhà xây thô phải sử dụng nhà thầu do chủ đầu tư đưa ra.

Đầu tư Mai Linh từng là chủ đầu tư đầu tư dự án Thành Phố Xanh 17,7ha thông qua Công ty BĐS Hồng Ngân. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã được chuyển nhượng lại cho một đơn vị khác.

Ngoài ra, Đầu tư Mai Linh cũng được biết tới với hàng loạt dự án đình đám khác như: Khu nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công An tại lô đất 1.1 ha tại khu đô thị Bắc Cổ Nhuế-Chèm, Từ Liêm, Hà Nội, quy mô gần 600 căn hộ chung cư với tổng vốn đầu tư 1,000 tỷ đồng; tham gia đầu tư dự án Golden Palace Lê Văn Lương quy mô 17 tầng nằm ngay tại đất vàng Lê Văn Lương. Ngoài ra, tại dự án công viên Mai Dịch với tổng vốn đầu tư 975 tỷ trên diện tích 15ha Mai Linh cũng từng là một trong những nhà đầu tư chính.

Tháng 2/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định chấp thuận Công ty cổ phẩn Đầu tư Mai Linh là nhà đầu tư dự án Công viên giải trí, Trường học và Tổ hợp Nhà ở, Thương mại, Dịch vụ Golden Palace A, tại phường Mễ Trì và Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.

Được biết, Golden Palace A chính trước đây chính là Dự án tháp dầu khí 102 tầng của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Tuy nhiên, suốt từ thời điểm đó đến nay, nhiều biến cố đã xảy ra đối với dự án nói trên, từ việc chủ đầu tư xin “cắt ngọn” tòa nhà xuống còn 79 tầng, đến việc mới đây Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam phải chuyển giao dự án cho PVC.

Thế nhưng, hồi tháng 7/2015, giới đầu tư bất động sản xôn xao khi UBND TP Hà Nội chính thức chỉ định Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư mới của dự án Tháp dầu khí. Đồng thời dự án này được đổi tên thành “Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A”.

Quý 4/2019, tập đoàn MIK Group công bố kế hoạch phát triển dự án Golden Palace A tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tên mới của Dự án là The Matrix One, MIK Group với vai trò là Đơn vị phát triển dự án.

Mai Linh đã phải thoái vốn tại 2 dự án lớn để dồn toàn lực vào The Matrix One

Cuối 2014, Công ty cổ phần Bất Động Sản Hồng Ngân là công ty được thành lập bởi 3 cổ đông cá nhân trong đó có ông Trần Đăng Khoa và vợ – bà Nguyễn Thị Minh Hồng có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, hoạt động chính về lĩnh vực đầu tư bất động sản.

Tại TP.HCM, ông Trần Đăng Khoa cũng tham gia sáng lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT và nắm đến 17% cổ phần của CTCP Đại Quang Minh – doanh nghiệp đang tham gia thực hiện những dự án cực kỳ lớn tại Bán đảo Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, doanh nghiệp này đang tham gia thực hiện nhiều dự án hạ tầng quan trọng như: Cầu Thủ Thiêm 2, tuyến đường R1,R2,R3, R4 trên Bán đảo Thủ Thiêm, phát triển dự án tại nhiều lô đất, trong đó, dự án lớn nhất Đại Quang Minh đang làm chủ đầu tư là Khu đô thị cao cấp Sala, quy mô lên đến 130 héc ta tại Bán đảo Thủ Thiêm. Dự án này đã bắt đầu mang lại trái ngọt khi bán được những sản phẩm đầu tiên ra thị trường.

Tuy nhiên, để dồn lực thực hiện dự án Golden Palace A, tháng 9/2016 Mai Linh cũng đã bất ngờ thoái toàn bộ vốn tại Đại Quang Minh.

Thế chấp luôn dự án The Matrix One hình thành trong tương lai

Ngày 24/12/2018, chủ đầu tư Mai Linh đã mang toàn bộ dự án này đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, theo hợp đồng số 1118/HDTC/QTS/VPB-MAILINH. Sau đó, hợp đồng thế chấp trên được thay đổi bằng hợp đồng thế chấp số 0918/HĐTC/VPB-MAILINH ngày 30/1/2019, cùng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Để dồn toàn bộ tài chính cho dự án The Matrix One, Mai Linh đã thoái vốn tại 2 dự án đình đám đang theo đuổi. Thế nhưng vẫn phải tiếp tục thế chấp dự án đang thực hiện. Phải chăng ngay từ đầu chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính?

Điều đáng ngờ là, khi thi công, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án chỉ còn 5 tháng (thời hạn vào ngày 1/5/2019). Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, khi hết hạn của quyết định phê duyệt, nếu chủ đầu tư vẫn tiến hành thi công là vi phạm. Vì sao lại có sự chậm trễ trong việc chấp hành pháp luật về môi trường trong xây dựng?

Trở lại hồi tháng 7/2015, UBND TP Hà Nội chính thức chỉ định Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư mới của dự án Tháp dầu khí. Vậy tiêu chí nào để lựa chọn Mai Linh làm chủ đầu tư? Liệu UBND TP Hà Nội có thiên vị cho đơn vị này để đến bây giờ cương vị là chủ đầu tư dự án The Matrix One nhưng lại phải đứng đằng sau một MIK Group với vai trò là Đơn vị phát triển dự án?

Rủi ro nào cho khách hàng?

Trong trường hợp này, khách hàng mua dự án sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp phát triển dự án hay với chủ đầu tư? Khi khách hàng ký hợp đồng với doanh nghiệp phát triển dự án, đương nhiên dòng tiền sẽ chảy về MIK Group. Nhưng, khi xảy ra tranh chấp với khách hàng, trách nhiệm pháp lý cuối cùng vẫn thuộc chủ đầu tư, cho dù trên thực tế, có thể chủ đầu tư chỉ còn tồn tại cái tên về hình thức, không có thực quyền tại dự án. Do vậy, khách hàng của dự án sẽ rất rủi ro trong đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.

Hơn thế nữa, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở để vay vốn là hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên nếu không thực hiện đúng thì sẽ trở thành rủi ro đối với người mua nhà. Khách hàng mua nhà dự án The Matrix One có thể sẽ rơi vào tình trạng khó được giải quyết vấn đề về sổ hồng và quỹ bảo trì sau này vì tùy thuộc vào việc hợp đồng thế chấp giữa Mai Linh và VPBank đã được thanh lý hay không; Khách hàng cũng có thể phải đối mặt trước tình trạng mất nhà nếu như CĐT không tiến hành nghĩa vụ giải chấp đối với ngân hàng.

Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ